Công suất bất động sản bán lẻ cho thuê thấp kỷ lục trong vòng 4 năm
Đến nay, tổng nguồn cung bất động sản bán lẻ cho thuê tại Hà Nội đạt khoảng 1,6 triệu m², ổn định theo quý và tăng 5% theo năm. Khu vực nội thành có thị phần lớn nhất với 42% và mật độ bán lẻ cao nhất với 0,48 m²/người.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, diện tích bất động sản bán lẻ cho thuê giảm 7.000 m² trong quý III/2021, và giảm 45.000 m² trong cả 3 quý. Công suất thuê trung bình giảm 1 điểm % theo quý và 4 điểm % theo năm, mức thấp kỷ lục trong vòng 4 năm qua.
|
Còn tại TP.Hồ Chí Minh, trong quý III/2021, nguồn cung bất động sản bán lẻ cho thuê duy trì ổn định theo quý và tăng 1% theo năm, đạt hơn 1,5 triệu m2 sau khi một dự án trung tâm thương mại và một dự án khối đế tham gia vào thị trường. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng loạt cửa hàng tại khu vực trung tâm đóng cửa trong quý III, khiến công suất thuê tại TP.Hồ Chí Minh giảm 2 điểm % và giá chào thuê giảm 2% theo quý.
Nhận định về thị trường bán lẻ cho thuê trong những ngày đầu tháng 10 khi yêu cầu giãn cách tại TP. Hồ Chí Minh được nới lỏng, bà Võ Thị Khánh Trang - Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu, Savills Việt Nam cho biết: Trong thời gian một tuần kể từ ngày các trung tâm thương mại bắt đầu mở cửa trở lại, khi thực hiện những khảo sát đối với các khách thuê, tập trung chủ yếu vào nhóm F&B, điểm nổi bật có thể nhận thấy rằng họ đang hoạt động thiên về hình thức giao hàng tận nơi hơn là khách đến tận cửa hàng để ăn uống. Về doanh thu, trong thời gian vừa qua, các khách thuê F&B cho biết, doanh thu của họ chỉ ở mức khoảng 20 - 30% so với thời điểm tháng 4 – 5, khi mà việc giãn cách chưa quá nghiêm ngặt.
Bất chấp dịch bệnh, các nhãn hàng như: Marc Jacob, Tiffany & Co, Dyson, Under Amour, Champion, Sociollla đã vào thị trường từ năm 2020. Cùng với đó, các thương hiệu nước ngoài mới như: Sephora và Arabica dự kiến sẽ vào thị trường trong năm 2022; các hãng khác như: Bath & Body Work, Prima Donna, Sports Direct cũng được kỳ vọng sẽ vào thị trường.
Thay vì giảm giá thuê, chủ nhà đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ
Hầu hết chủ mặt bằng bán lẻ cho thuê vẫn duy trì giá chào thuê; giá thuê trung bình đạt 49 USD/m2/tháng. Đánh giá về những động thái từ phía chủ nhà, bà Trang nhận định, dù không giảm giá chào thuê, song chủ nhà đã có các chính sách tốt hơn cho các khách thuê mới, như kéo dài thời gian sửa chữa của khách hàng trong thời gian đầu, hoặc giảm từ 30 - 50% trong 3 - 6 tháng đầu tiên cho các hợp đồng ký mới từ 3 - 5 năm.
Ngoài ra, với khách thuê hiện hữu, chủ nhà cũng có những hỗ trợ rất tích cực thông qua nhiều dự án giảm giá đến 70% giá thuê mỗi tháng cho đến khi hoạt động trở lại hoặc trực tiếp miễn phí các tháng vừa qua khi mà các khách thuê không thể mở cửa, song song đó là giảm 50% giá dịch vụ.
Chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, khách thuê phân khúc bất động sản bán lẻ cho thuê kinh doanh hàng hoá phải trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng. Theo Cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại thành phố đạt 4 tỷ USD, giảm 64% theo quý và giảm 71% theo năm trong quý III/2021. |
Với ngành nghề ăn uống F&B, một trong những phân khúc bất động sản chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do tác động của các chính sách giãn cách xã hội, thị trường đang tiếp tục chứng kiến động thái trả mặt bằng sớm, hoặc chấm dứt gia hạn hợp đồng của rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những thương hiệu nổi tiếng, luôn thu hút được nhiều khách hàng trong thời điểm trước đây như: Starbucks, The Coffee House…
Bà Trang ghi nhận thêm, chi phí thuê mặt bằng là một trong những chi phí rất đáng kể trong tổng chi phí của một doanh nghiệp F&B, kế tiếp đó là về nhân lực. Thêm vào đó, trong thời gian qua, để đảm bảo được an toàn trong mùa dịch, các cơ quan chức năng yêu cầu các nhân viên muốn đi làm lại bình thường, thì ít nhất là phải được tiêm ngừa vắc-xin đầy đủ giờ đây cũng là một trong những trở ngại đối với doanh nghiệp.
Quý IV/2021, được kỳ vọng là thời điểm mức tiêu dùng bùng nổ mạnh mẽ khi dịch bệnh dần được kiểm soát; các biện pháp giãn cách được nới lỏng; đây cũng là thời điểm có nhiều lễ hội diễn ra thì việc tiêu dùng, chi tiêu của người dân cũng sẽ bắt đầu quay trở lại, từ đó giúp cho các ngành bán lẻ và đặc biệt là ngành F&B có các dấu hiệu tích cực hơn.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Savills, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh dài hơi và hiệu quả hơn. Bởi trong thời gian vừa qua, không chỉ nhóm dân số trẻ, mà cả các tầng lớp trung niên hay cao tuổi cũng đã bắt đầu thích nghi với việc sử dụng công nghệ trong việc mua bán qua phương thức online.
Do đó, các thương hiệu cần phải chú ý đến việc thay đổi hành vi tiêu dùng, qua đó có kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, thông qua việc đưa ra những chiến lược marketing hoặc những chiến lược quảng bá, song song với đó là những chiến lược chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới, để đón bắt sự quay trở lại của khách hàng./.