Chia sẻ tại tọa đàm về vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh, cô Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, trong mùa dịch, học sinh bị “nhốt” trong nhà học online một thời gian rất dài, các em bị giảm tương tác với mọi người xung quanh, thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng đảo lộn.
Tại Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, kể từ năm 2020 trở lại đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngoài những lo ngại về chất lượng dạy và học online, thì điều nhà trường trăn trở hơn nữa là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Theo đó, trường tạo ra các “vitamin hạnh phúc” để giáo viên trao cho học sinh và học sinh tặng cho thầy cô, những bạn bè xung quanh. Bên cạnh đó, các em còn gửi “vitamin hạnh phúc” đến cho các y bác sĩ chống dịch, đến bố mẹ, người thân bằng những bức thư tay, những món quà nhỏ tự làm.
Để giảm áp lực cho học sinh trong mùa dịch, nhà trường cũng thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá, giảm tải kiến thức khi học trực tuyến: “Sau Covid-19, chúng tôi thấy rõ những ảnh hưởng của dịch bệnh, giáo viên khi quay lại trường không còn chuyên nghiệp như trước, trí nhớ giảm sút, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mệt mỏi, học sinh cũng vậy. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc họp tại trường, nói một cách nhẹ nhàng thì thầy cô “choáng” còn nặng hơn là “sốc” với kết quả học tập của học sinh sau 2 năm Covid. Dù đã giảm bớt các yêu cầu trong bài kiểm tra, nhưng kết quả học tập của các em không còn tốt như thời điểm chưa có dịch và được học trực tiếp.
Nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp đề xuất phương án hỗ trợ học sinh. Trong đó có các giải pháp đã và đang được đưa vào áp dụng như cử học sinh tốt hơn hỗ trợ những bạn học kém hơn, giáo viên kèm riêng cho những học sinh kém hay phối hợp giữa gia đình và nhà trường ra sao. Song bên cạnh đó cũng có những ý kiến đề xuất yêu cầu học sinh viết bản kiểm điểm và bản cam kết nếu đạt kết quả kém. Chúng tôi nói rằng, kết quả học tập của học sinh và cộng hưởng kết quả dạy của giáo viên và việc học của các em, là sự hỗ trợ của gia đình. Như vậy nếu học sinh học chưa tốt thì trước tiên giáo viên, gia đình phải viết bản kiểm điểm trước khi bắt các em làm điều đó”, cô Anh Thu nói.
Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh cần được các nhà trường đặc biệt quan tâm, cần tăng cường tính chịu trách nhiệm với mỗi thành viên của trường. Người Việt ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe thể chất, song lại chưa thực sự chú trọng đến sức khỏe tinh thần.
Cô Thu Anh dẫn chứng một trường hợp cụ thể về học sinh khi được bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị về tâm lý, nhưng bố lại cho rằng con đang “giả vờ” vì chỉ khi học mới kêu mệt.
Cùng trao đổi về vấn đề sức khỏe tinh thần của học sinh, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận: “Lâu nay mỗi khi có sự việc đáng tiếc nào xảy ra, chúng ta lại chạy nháo nhào để đi giải quyết, trong khi việc cần làm là tìm ra các vấn đề mang tính chiến lược, có quyết sách để giải quyết căn cơ, gốc rễ. Có thể thấy, khi xã hội càng phát triển sẽ càng tạo ra nhiều mâu thuẫn, xung đột, áp lực đó là điều tất yếu. Tôi không tán thành suy nghĩ rằng cha mẹ là người đang tạo ra nhiều áp lực cho con cái, dù điều này có thật ở một số phụ huynh. Nhưng cũng cần nói rằng, nếu học mà không có áp lực, thì các em không thể vượt qua, câu chuyện là cần dạy cho trẻ khả năng thích ứng, vượt qua những áp lực, nâng cao kháng thể cho học sinh trước những khó khăn trong cuộc sống”.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay ngành giáo dục vẫn nặng chạy theo thi cử, điểm số, bằng cấp chứ không phải để phát triển con người.
“Chúng ta đang tập trung vào trường chuyên lớp chọn, suy cho cùng vẫn là tập trung về kiến thức chứ không phải phát triển con người. Chúng ta đang bắt học sinh học quá nhiều, đòi hỏi bằng cấp, các em học chuyên này chuyên kia, nhưng lại có thể kém trong việc thích ứng với xã hội và có thể lại không tìm được những cơ hội việc làm tốt. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tập trung đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên. Điều băn khoăn hiện nay rất nhiều, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ bàn chứ chưa có cách giải quyết. Hiện nay cán bộ tham vấn tâm lý học đường tại các trường từ mầm non đến THPT có vai trò rất quan trọng nhưng chúng ta vẫn chưa có biên chế cho đội ngũ này. Bộ Tài chính, Bộ Nội Vụ cần phối hợp cùng Bộ GD-ĐT, Quốc hội cũng cần sớm có kiến nghị để giải quyết bất cập này”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.
Chuyên gia tâm lý này cho rằng không chỉ học sinh cần học, mà Bộ GD-ĐT cũng cần có các chương trình để tập huấn cho cha mẹ học sinh cách chăm sóc, giáo dục con để có thể đồng hành tốt nhất với con./.