“Cháy hàng”, “hét giá”
Đợi chờ khá lâu trước cửa một hiệu thuốc phố Phương Mai, chị Minh Ngọc (35 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) than thở: “Việc mua kit xét nghiệm ngày càng khó. Không chỉ đội giá mà hàng cực khan hiếm. Trước khi đến đây, tôi đã hỏi vài cửa hàng nhưng đều hết”.
Bà N.T.Y, ở ngõ 402 phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: “Tôi vừa hỏi mấy hiệu thuốc ở Bạch Mai nhưng đều hết loại thuốc ho bổ phế Nam Hà. Nơi báo hết hàng, nơi còn thì quá hạn sử dụng. Tại hiệu thuốc Phương Lê không còn kit xét nghiệm; nhà thuốc Long Châu chỉ còn bán kit của Hàn Quốc nhưng giá hơi cao nên tôi chưa mua. Gia đình tôi đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng muốn mua để dự phòng vì dịch căng thẳng quá”.
Theo nhiều chủ hiệu thuốc lớn ở Hà Nội, từ sau kỳ nghỉ Tết, nhu cầu mua kit tăng đột biến. Các hiệu thuốc luôn phải hoạt động hết công suất, trung bình cứ 30 phút lại có khoảng 3 - 4 người đến hỏi mua kit xét nghiệm và các loại thuốc liên quan đến điều trị COVID-19. Mỗi người đều tranh thủ mua cả chục bộ kit xét nghiệm nên không ít các nhà thuốc đã "cháy" hàng. Thậm chí, những chuỗi cửa hàng thuốc lớn khu vực đường Giải Phóng có thời điểm thông báo không còn kit test nhanh.
Không chỉ khan hiếm, giá các loại kit cũng tăng. Nếu như 3 tuần trước đây, giá kit GenBody COVID-19 Ag của Hàn Quốc có giá là 75.000 - 85.000 đồng/kit, thì nay giá bán từ 95.000 - 100.000 đồng/kit; kit Flowflex Test Kit của Trung Quốc trước đây có giá từ 60.000 - 75.000 đồng/kit nay tăng lên 80.000 - 90.000 đồng/kit; loại Ag Home Test Kit (hộp 25 kit) trước có giá từ 1,8 - 1,9 triệu đồng/hộp nay tăng từ 2,3 - 2,4 triệu đồng/hộp. Hầu hết các bộ kit xét nghiệm nhanh đều tăng giá từ 20 - 25% so với trước.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, anh V.H - chủ doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực thiết bị y tế có trụ sở ở Hà Nội cho biết: “Để nhập được hàng là rất khó khăn vì cung không đủ cầu. Hiện có tình trạng giới buôn thuốc còn ‘ôm hàng’ để đẩy giá nên nhiều hiệu thuốc không mua được hàng về bán”.
Hiện giá bán lẻ kit Hàn Quốc là 85.000 đồng/kit; hàng Trung Quốc là 75.000 đồng/kit; kit của Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore dao động từ 80.000 đến 90.000 đồng/kit. “Nếu hiệu thuốc bán theo đúng giá niêm yết thì chỉ lãi chỉ lãi 1.000 đồng/kit. Tuy nhiên lợi dụng khan hàng, có nơi ‘hét’ giá cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết. Mới đây, trên phố Phương Mai, tôi thử hỏi một loại kit có thương hiệu vừa phải thi được báo giá là 90.000 đồng/kit nhưng khi lực lượng quản lý thị trường vào kiểm tra, chủ cửa hàng khẳng định bán đúng giá niêm yết là 55.000 đồng/kit”, anh V.H chia sẻ.
Điều đáng nói, dù là hàng xách tay, không có hóa đơn chứng từ nhưng kit test vẫn “cháy” hàng, “đội” giá. Đơn cử, bộ test COVID-19 của Pháp nơi bán giá 48.000 đồng, nơi bán 65.000 đồng; test nước bọt dùng cho cả người lớn lẫn trẻ em của Trung Quốc nơi bán 260.000 đồng/3 bộ, nơi bán 300.000 đồng/3 bộ.
Trong những ngày này, nhiều người còn đổ xô đi tìm kiếm mua các loại thuốc hạ sốt, kháng sinh, vitamin, thuốc xịt mũi, súc miệng... khiến cho các mặt hàng này tăng giá vùn vụt.
Ngay cả ở trung tâm phân phối thuốc Hapu, quận Thanh Xuân - một trong những khu vực cung cấp thuốc lớn tại Hà Nội. Tuy nhiên, dù khan hàng nhưng giá bán nước muối sinh lý tại một số hiệu thuốc lớn ở Hà Nội vẫn là 5.000 đồng/chai. Tuy nhiên, sản phẩm nước sức miệng này cũng có tình trạng mỗi nơi mỗi giá. Một cửa hàng thuốc tại quận Cầu Giấy rao bán nước súc miệng T.B với giá 25.000 đồng/chai nhưng tại hiệu thuốc trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ) lại có giá 18.000 đồng/chai.
Đáng lo ngại hơn là người dân tìm mua các loại thuốc điều trị COVID-19 được rao bán rầm rộ trên mạng với mác là hàng xách tay từ nước ngoài. Điển hình là các loại thuốc: Areplivir, Arbidol.
Kiểm tra ngay việc cung ứng kit test nhanh COVID-19
Trước tình trạng “sốt” giá mặt hàng kit xét nghiệm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý, lực lượng chức năng cần kiểm tra lại toàn bộ mạng lưới cung ứng.
Ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh: “Để kiểm tra mạnh hơn các mặt hàng tăng giá đột xuất, buộc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh phải ra một quyết định, công bố kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật giá. Từ đó, có thể xem xét trong giai đoạn hiện nay có phải chi phí hình thành giá tăng hay không? Nếu tăng hợp lý thì cần phải xem xét chấp nhận mức độ nào? Trường hợp tính toán các chi phí không đúng, không được phép tính vào giá, cộng yếu tố thị trường thì bán ở mức độ nào để xử lý mức giá cho phù hợp”.
“Luật giá có quy định trong trường hợp giá tăng đột biến mặt hàng nào đó thì có thể được quyền kiểm tra, kiểm soát và xử lý về giá. “Cứ để mặt hàng ‘sốt’, đột biến về giá, để cả xã hội bị điều tiết một cách vô lý không ổn”, ông Nguyễn Tiến Thoả chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, trách nhiệm quản lý đầu tiên thuộc về Bộ Y tế. Bộ Y tế cần kiểm tra ngay việc cung ứng của các đơn vị đã được cấp phép sản xuất hay nhập khẩu. Xem sản lượng ra sao? bán ra thị trường như thế nào? trong kho ra sao? “Hiện, việc bán ra ngoài thị trường có bình thường hay không, có sự móc nối bên ngoài bán cầm chừng, bán ít đẩy giá lên không. Đây là điều gốc rễ”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh.
Trả lời báo giới mới đây, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết: “Bộ Y tế đã nắm được thông tin hiện nay có tình trạng khan hiếm cục bộ và giá cả không thống nhất đối với kit-test nhanh SARS-CoV-2. Qua các kênh thông tin cho thấy có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý”.
Để kịp thời có những biện pháp phù hợp, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị sản xuất, nhập khẩu kit-test xét nghiệm SARS-CoV-2 chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, nhập khẩu sản phẩm để đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; thực hiện công khai và cập nhật giá, trong đó có yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không để tình trạng giá công bố cao nhưng giá bán thấp, tạo kẽ hở cho các nhà phân phối, bán lẻ lợi dụng làm lũng đoạn thị trường; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.
Bộ Y tế cũng có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán.
Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường, hải quan và các đơn vị liên quan thực hiện việc thanh tra, kiểm tra một số đơn vị về việc kê khai và công khai giá bán theo quy định để đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường.