Bên trong các bệnh viện công, vấn đề này căng thẳng không kém.

Những ngày qua, việc Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ thiếu máu điều trị để cung cấp cho 74 bệnh viện tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lý do cơ bản là Bệnh viện này không còn đủ túi đựng máu và hóa chất xét nghiệm máu vì khó khăn trong công tác đấu thầu.

Trong nỗ lức khắc phục tình trạng này, UBND TP Cần Thơ quy trách nhiệm cho các cơ sở y tế nếu để thiếu thuốc và trang thiết bị y tế.

Ở tầm quốc gia, Bộ Y tế còn cứng rắn yêu cầu xem xét kỷ luật cá nhân không làm hết trách nhiệm nếu để thiếu máu kéo dài.

Lúc này, trách nhiệm để thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã hoàn toàn thuộc về “sân” của các bệnh viện. Song, các bệnh viện có thể giải quyết được vấn đề này không?

Hiện tại, việc thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn đang diễn ra ở nhiều bệnh viện công. Đến tháng 10/2023, vẫn còn 38,59% đơn vị báo cáo với Bộ Y tế về việc thiếu thuốc phục vụ khám, chữa bệnh.

thach thao.jpeg
Hậu quả của việc thiếu thuốc, vật tư không chỉ là sức khoẻ, mà còn là tính mạng người bệnh. Ảnh minh hoạ: Thạch Thảo

Xin nêu một vài ví dụ mô phỏng tình trạng này. Những ngày qua, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai đặt stent não, tim, mổ, nhưng bệnh viện không có vật tư, nên bệnh nhân phải sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đặt stent và sang Bệnh viện E để mổ tim.

Lại có nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Việt Đức mổ nhưng họ phải chờ đợi nhiều tuần, thậm chí, nhiều tháng mới có vật tư cần thiết.

Tại Pleiku, một bệnh nhân cho biết, mới đây ông đi khám bảo hiểm y tế định kỳ hàng tháng nhưng vẫn phải mua thuốc bên ngoài vì bệnh viện không có thuốc. Mà đó chỉ là thuốc tiểu đường thông thường chứ không phải thuốc đặc trị quý hiếm.

Anh Lê Chi, một bệnh nhân ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã phải ra bệnh viện tư để mổ đục nhân mắt vì Bệnh viện Mắt Trung ương không có vật tư y tế.

Một bác sĩ mắt ở Hải Phòng cũng cho biết, ở bệnh viện công nơi ông làm việc, các bệnh nhân mổ bong võng mạc đều phải gửi ra bệnh viện tư mổ vì bệnh viện công đó thiếu vật tư.

Hậu quả của việc thiếu thuốc, vật tư không chỉ là sức khoẻ, mà còn là tính mạng người bệnh. Năm ngoái, trong “cơn sóng” thiếu thốn cả thuốc và vật tư y tế của các bệnh viện, một bác sĩ thông tin rằng, có 3 bệnh nhân tim mạch đến một bệnh viện lớn cấp cứu, nhưng vì bệnh viện này thiếu thuốc và vật tư, nên phải chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đáng tiếc, vì phải chờ đợi, phải chuyển viện, nên mất đi thời gian vàng, khiến có bệnh nhân không qua khỏi.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Đại biểu Quốc hội PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cũng từng cho rằng, việc mua bán vật tư tiêu hao y tế lại vô cùng rối. Nguyên nhân khách quan là do có quá nhiều quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm này, rất khó để đưa ra quyết định mua sắm, đáp ứng đầy đủ các quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau”.

Ở bệnh viện Trung ương còn thế, các bệnh viện cấp tỉnh còn khó khăn hơn. Theo ông Hiếu là “vì có quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra, nên việc mua sắm phụ thuộc vào sở y tế, sở tài chính, UBND và tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở”.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; nhiều văn bản đã được bổ sung, sửa đổi để cập nhật thực tế.

Tháng 9/2023, Bộ Y tế phát đi văn bản về việc chấn chỉnh và tăng cường năng lực công tác đấu thầu trong toàn ngành nêu rõ: “Việc xây dựng và trình ban hành một số văn bản quy định về đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu. Việc chưa kịp thời có giải pháp để giải quyết vướng mắc cũng dẫn đến tình trạng một số chủ đầu tư, bên mời thầu bị động, lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu do tâm lý "sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ bị thanh tra, kiểm tra”.

Như vậy, nếu các thủ tục, các quy định về đấu thầu còn bất cập mà không thay đổi, thì làm sao các bệnh viện làm được? Vì thế, tâm lý sợ vi phạm là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Để gỡ khó cho các bệnh viện, ngày 30/6/2023, Bộ Y tế đã có Thông tư 14 quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Nhưng, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Nhị Hà, Thông tư này mang tính tình thế vì chỉ có giá trị trong 6 tháng, đến hết 12/2023. Trong khi thủ tục mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế có khi kéo dài tới 8 tháng.

Vấn đề là, nhiều bệnh nhân đã được chuyển từ các bệnh viện khác đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị, cho thấy thuốc và vật tư y tế khá đủ ở bệnh viện này. Tại sao cùng trong ngành y, mà Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lại không thiếu dụng cụ, thuốc men, còn nhiều bệnh viện khác vẫn thiếu?

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu giải thích ở nghị trường: “Bệnh viện Đại học Y Hà Nội được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, nên không bị thiếu dụng cụ, thuốc men”.

Từ câu trả lời của Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có thể thấy một phần mối dây trong “mớ bòng bong” đang cần gỡ. Đó là việc tự chủ thực sự cho các bệnh viện rất quan trọng và rất cấp thiết để có thể giải quyết triệt để vấn nạn thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế ở các bệnh viện công vốn đã “dằng dai” từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Vì thế, thay vì các văn bản mang tính tình thế, không theo kịp tình hình chuyển đổi, nhất là từ 1/1/2024 thời điểm Luật Đấu thầu có hiệu lực, cần giao cho các bệnh viện quyền và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các sản phẩm đấu thầu, như đề nghị của ông Nguyễn Lân Hiếu.

Khi đó, đâu cần quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra, dễ làm “ách tắc” quá trình lưu thông thủ tục đấu thầu, mua sắm như hiện nay.

Hơn ai hết, chính các bác sỹ trực tiếp điều trị ở bệnh viện mới biết cần mua loại thuốc gì, vật tư y tế ra sao để cứu chữa bệnh nhân.

Thanh Hằng