“Rửa tay” là cách nói ẩn dụ. Người lãnh đạo cao nhất Đảng ta sử dụng cách lập ngôn dân dã, dễ hiểu để cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là lấy phòng ngừa làm chính, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không có vùng cấm... Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, Đảng khuyến khích cán bộ nào có sai phạm tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của đã tham ô, tham nhũng thì sẽ được xem xét giảm nhẹ các hình thức xử lý, được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, “rửa tay” là sự cụ thể hóa, nâng cao hiệu quả đấu tranh tự phê bình và phê bình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Phải thường xuyên và tự giác tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “chặt cành để cứu cây”, “chặt cây để cứu rừng”... là để làm cho Đảng mạnh lên, xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tính tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên cũng cần được coi trọng, đề cao. Bình thường thì phải luôn răn mình, giữ mình như “soi gương”, “rửa mặt”, khi lỡ có khuyết điểm, sai phạm thì phải tự giác “rửa tay”. Đó là hành động thể hiện tính chiến đấu, tính văn hóa trong cán bộ, đảng viên, là phương thức để chấn hưng văn hóa, mài sáng văn minh trong Đảng.

“Rửa tay”!
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tiến hành tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ngày 19-11.

Tại sao phải khuyến khích cán bộ sai phạm tự giác “rửa tay”? Thực tế thời gian qua, không ít vụ án kinh tế trong quá trình điều tra, xét xử, các đối tượng tham nhũng, tham ô luôn vòng vo chối tội, triệt tiêu ý thức tự giác. Để có những kết luận, bản án khiến họ “tâm phục, khẩu phục”, các cơ quan kiểm tra và thực thi pháp luật phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để đấu tranh, điều tra, xử lý. Ai đã trót “nhúng chàm” và “nhúng” đến đâu, cá nhân người sai phạm hiểu rõ hơn ai hết. Chính vì vậy, với những cán bộ đã trót “nhúng chàm”, việc tự giác “rửa tay” không chỉ là yếu tố để được xem xét giảm nhẹ các hình phạt mà còn giúp cơ quan chức năng các cấp thuận lợi hơn trong thực thi nhiệm vụ. Khuyến khích hành động tự giác “rửa tay” còn là cách góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nghị quyết, quy định, kết luận... của Đảng về công tác cán bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái. Việc “rửa tay” phải được lượng hóa bằng những hành vi cụ thể, đó là tự giác nhận sai phạm, tự giác xin thôi việc, tự giác nộp lại tiền của, tài sản đã tham ô, tham nhũng...

Như vậy, khuyến khích “rửa tay” không phải là coi nhẹ xử lý, hạ thấp tinh thần thượng tôn pháp luật, mà chính sự tự giác ấy là nhân tố góp phần thúc đẩy hiệu quả thực thi pháp luật. Kỷ luật trong Đảng là kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Tính nhân văn là yếu tố tương tác bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp. Tự giác và nghiêm minh có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, thúc đẩy sự phát triển của xã hội trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Cần thấy rõ rằng, “rửa tay” chỉ thực hiện khi đã trót “nhúng chàm”! Đó chỉ là một cách để khắc phục hậu quả do mình gây ra. “Rửa tay” chỉ giúp người sai phạm giảm nhẹ hình phạt, chứ không thể nào lấy lại được sự trong sạch, bởi: “Trót vì tay đã nhúng chàm/ Dại rồi còn biết khôn làm sao đây...” (Truyện Kiều-Nguyễn Du). Vì vậy, để không phải “rửa tay” thì mỗi cá nhân, tổ chức, trước hết là trong Đảng và hệ thống chính trị, phải có ý thức, bổn phận phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ xa, từ sớm, đừng để bàn tay mình và đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp của mình phải “nhúng chàm”.

PHAN TÙNG SƠN