'Shipper' thời dịch Covid-19: Tiếp tục hay dừng lại?28/05/2021 - 10:00:00 Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt hàng qua hệ thống người giao hàng (shipper) là ưu tiên hàng đầu của người dân. Đây cũng là lựa chọn thiết yếu khi các khu vực nguy cơ, cộng đồng dân cư, khu chợ bị cách ly, tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, nghề shipper cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Theo khảo sát, tại Hà Nội, nhu cầu đặt đồ ăn online tăng vọt, các "shipper" hoạt động đông hơn thường lệ sau khi Chính phủ ra Chỉ thị tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ và chỉ cho phép bán hàng mang về. Tâm lý chung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế ra đường khiến nhiều quán ăn giảm hẳn lượng khách đến ăn trực tiếp, thay vào đó là đặt mua online và chờ "shipper" giao đến tận tay. Có thể thấy, vai trò của nghề "shipper" trong mùa dịch đang thể hiện ngày càng rõ nét về tính cần thiết. Bởi nếu không có "shipper", mọi người đều phải ra ngoài mua hàng, chuyển đồ... thì rất khó bảo đảm sự giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Cho nên, nếu cho rằng nghề "shipper" đã gián tiếp giúp giãn cách xã hội trong những ngày cao độ phòng tránh dịch bệnh Covid-19 cũng hoàn toàn có lí. Bởi mỗi "shipper", mỗi ngày thực hiện giao hàng chục đơn hàng, cũng giúp tiết giảm hàng chục lượt người và phương tiện ra đường tham gia giao thông vô hình chung làm gia tăng mật độ trên phố, trong các hàng quán... Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Sàn thương mại điện tử Shopee Việt Nam, lượt truy cập và khối lượng giao dịch qua sàn này tăng mạnh trong thời gian gần đây đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hàng ngày cho nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm khử trùng. Khối lượng giao dịch gia tăng cũng sẽ kéo theo nhu cầu giao hàng, Shopee phải sử dụng đến các đối tác là những công ty có dịch vụ giao hàng như Giao hàng tiết kiệm, VNPost, GrabExpress, Now... Nhiều người cho rằng, "shipper" là nghề “ăn nên làm ra” trong thời gian này. Trên thực tế, phía sau đó là vô vàn những nỗi niềm lo lắng, vất vả riêng của các shipper, hiện nay nhiều người chuyển sang kinh doanh, buôn bán online kéo theo sự gia nhập của những "shipper" mới hoặc những người ở nhiều ngành nghề khác chuyển sang làm "shipper" tạm thời để kiếm thêm thu nhập, do vậy số đơn hàng cũng bị chia lẻ, mức độ cạnh tranh cao hơn so với trước đây. “Khối lượng công việc tăng đồng nghĩa tôi phải làm việc miệt mài, vất vả hơn. Thời gian trước, đang lúc cao điểm giao hàng có thể tranh thủ ăn vội ngoài hàng quán rồi đi giao tiếp cho hết đơn, về nhà sớm với vợ con. Nhưng bây giờ, các hàng quán đóng cửa hết, buộc lòng tôi phải chạy về nhà ăn cơm, vừa xa xôi và khá bất tiện”, anh Trung Tuấn (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, việc xây dựng quy trình chuẩn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho bản thân "shipper" cũng như khách hàng lại hầu như không có. Đa số các doanh nghiệp đều có các quy trình chung, nhưng để chi tiết thành quy trình vận hành tiêu chuẩn SOP (quy trình thao tác chuẩn) thì không phải doanh nghiệp nào cũng có. Hầu hết các doanh nghiệp đều để cho "shipper" tự chủ động. Trong bối cảnh dịch bệnh thì không phải lúc nào "shipper" cũng có kiến thức nền tảng, cơ bản để giữ an toàn cho mình và cho khách hàng. Đối với "shipper", với đặc thù công việc, "shipper" phục vụ một số các loại hình dịch vụ vẫn hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường như: hệ thống "shipper" của những ứng dụng mua hàng trực tuyến; người giao hàng của bưu điện, các công ty vận chuyển và hệ thống "shipper" của các ứng dụng giao thức ăn nhanh… Chính vì vậy, dù hiện nay những tuyến đường có trở nên vắng vẻ hơn, thế nhưng các "shipper" vẫn ngày đêm miệt mài giao các gói hàng, đồ ăn, nhu yếu phẩm đến tay từng nhà, từng người dân. Thế nhưng, người giao hàng trong quá trình làm việc tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, từ nhiều nơi khác nhau, có thể sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng diễn biến thêm phức tạp. Điển hình như trường hợp một tài xế xe công nghệ tại Đà Nẵng dương tính Covid-19 đi nhiều nơi, dự 2 đám cưới ở Quảng Nam và tiếp xúc với nhiều khách hàng. Trường hợp trên ảnh hưởng trực tiếp đến các "shipper" và cả những người thường sử dụng dịch vụ đặt hàng giao tận nơi. Theo nhiều "shipper", trước đây anh em đồng nghiệp có lập một nhóm chat để nhắn tin chia sẻ buồn vui công việc thì nay còn cập nhật thêm những tin tức về dịch bệnh Covid-19 để mọi người theo dõi, nắm bắt. Do đó, các "shipper" luôn chú trọng các biện pháp đảm bảo an toàn khi đi giao hàng để phòng, chống dịch bệnh. Để phòng, chống dịch bệnh, hầu như các "shipper" đều trang bị cho mình đầy đủ khẩu trang, bao tay, nước rửa tay sát khuẩn, kính chắn giọt bắn…; đồng thời khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt qua các hình thức liên kết mobile banking, internet banking… Ông PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho biết, việc khuyến khích hình thức mua bán online để hạn chế việc người dân ra đường và tụ tập đông người, tránh lây lan dịch bệnh thời điểm này thực sự cần thiết. Tuy nhiên, người bán hàng phải áp dụng những biện pháp phòng bệnh, đặc biệt là duy trì thói quen đeo khẩu trang; giữ bàn tay luôn sạch; thực hiện sát khuẩn gói hàng. Đối với người giao nhận hàng, khi thực hiện công việc này, cả người bán lẫn "shipper" cần thực hiện việc giữ khoảng cách tối thiểu với nhau là trên 2 m, đeo găng tay y tế hoặc sử dụng dung dịch kháng khuẩn trên tay khi giao, nhận hàng. Đặc biệt, đối với những người giao, nhận hàng hóa có một trong những dấu hiệu, triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi... tuyệt đối không giao hàng để đảm bảo dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|