Ngày 23/4, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.365 ca nhiễm mới tại 59 tỉnh, thành phố và tiếp tục giảm so với ngày trước đó. Chỉ còn bốn tỉnh, thành phố ghi nhận từ hơn 500 đến dưới 1.000 ca bệnh là: Hà Nội (978 ca), Phú Thọ (753 ca), Bắc Giang (556 ca), Quảng Ninh (538 ca)… trong khi đó nhiều địa phương chỉ ghi nhận ở mức trên, dưới 10 ca. Trong ngày tại các địa phương có 2.229 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 6 trường hợp tử vong; số bệnh nhân đang thở ô-xy là 685 ca.
Theo Bộ Y tế, trong vòng 30 ngày qua dịch Covid-19 giảm cả bốn tiêu chí: số ca cộng đồng cả nước (giảm 56,5%); số ca tử vong (giảm 60,5%); số ca đang điều trị tại bệnh viện (giảm 44,9%); số ca nặng, nguy kịch (giảm 38,6%). Hiện nay số ca mắc mới trong ngày chỉ còn dưới 15 nghìn ca, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 là lúc biến thể Omicron chưa xâm nhập và lây lan rộng ở nước ta. Số ca tử vong chỉ còn trên dưới 10 ca mỗi ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.
Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, cho nên cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng; đồng thời chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện trực thuộc; Sở y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành thực hiện có hiệu quả việc khám, chữa bệnh hậu Covid-19.
Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cho người bệnh (người lớn và trẻ em) khi mắc và hậu Covid-19 theo đúng các hướng dẫn chuyên môn đã ban hành; khám, chữa bệnh cho người có dấu hiệu, triệu chứng hậu Covid-19 nói riêng và khám bệnh, chữa bệnh nói chung theo phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, theo các lĩnh vực chuyên khoa khi người dân có các dấu hiệu, triệu chứng thuộc các chuyên khoa, tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết. Các đơn vị thực hiện công tác truyền thông, quảng cáo công tác khám bệnh, chữa bệnh, khám hậu Covid-19 phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/5/2015 của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Thanh tra Bộ; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám, chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Bộ tiêu chí đánh giá có sáu tiêu chí an toàn chung áp dụng cho tất cả hoạt động ngành nghề, lĩnh vực, gồm: Đeo khẩu trang; bảo đảm không khí; tiêm vaccine phòng Covid-19; vệ sinh khử khuẩn; kiểm soát người đến các địa điểm; phương án phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh bộ tiêu chí chung, thành phố Hồ Chí Minh cũng quy định bộ tiêu chí đặc thù gồm chín tiêu chí áp dụng theo hoạt động, ngành nghề, lĩnh vực của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Theo đánh giá của Bộ tiêu chí, nếu mức độ an toàn đạt trên 80% thì đơn vị tiếp tục hoạt động; từ 70% đến 80% là mức độ an toàn trung bình, đơn vị tiếp tục hoạt động và trong vòng 48 giờ phải khắc phục các tiêu chí không đạt. Còn nếu mức độ an toàn dưới 70% hoặc không đạt tiêu chí an toàn chung thì chưa bảo đảm an toàn, đơn vị sẽ tạm ngưng hoạt động và phải khắc phục các tiêu chí không đạt.