6 nhóm ngành hàng phải thực hiện biện pháp tái chế27/08/2021 - 16:45:00 6 nhóm ngành hàng chính bao gồm pin và ắc quy, điện và điện tử; săm lốp, dầu nhờn, ô tô và xe máy, bao bì phải thực hiện trách nhiệm đối với các chất thải bỏ.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; hơn 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn hơn 50 năm. Trong số đó, có nhiều phương tiện đã quá cũ nát, nhưng người dân tận dụng bằng việc mua các thiết bị thay thế, lắp ghép phù hợp, sửa chữa lại để sử dụng. Với số lượng lớn ô tô, xe máy cũ nát như vậy, nhưng việc thu hồi, xử lý ô tô, xe máy theo quy định của Luật Bảo vệ môi trương năm 2005 và 2014 chưa được thực hiện bởi theo các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu ô tô, xe máy, việc thu hồi, xử lý ô tô, xe máy không còn được lưu thông chủ yếu thực hiện thông qua hệ thống đồng nát và làng nghề. Bà Đào Thị Yến, đại diện Hiệp hội ô tô và xe máy Việt Nam cho biết: “Các Dự thảo hiện tại về mặt bản chất vẫn gắn mọi trách nhiệm cho nhà sản xuất từ việc thải bỏ, người tiêu dùng, đến thu gom. Khi thực hiện, chúng tôi đã nỗ lực hết mình nhưng không thể thu hồi được một sản phẩm thải bỏ nào từ người tiêu dùng. Do đó, người tiêu dùng cũng nên có trách nhiệm mang sản phẩm cũ đi sửa chữa để tối ưu việc tái sử dụng với những bộ phận không thể tái sử dụng được thì có thể trực tiếp hoặc gián tiếp giao cho các cơ sở tái chế hợp pháp thông qua các nhà phân phối”. Còn kết quả khảo sát của Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp có nhận thức rõ ràng về trách nhiệm thu gom, tái chế và xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thực hiện do đặc thù của ngành nghề nên khó khăn trong thu hồi và tái chế các sản phẩm bán ra hoặc phải tăng thêm chi phí sản xuất khi thực hiện. Chính vì vậy, theo ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ, Nghị định cần phải có quy định khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm đối với sản phẩm của mình. “Chúng tôi rất thấu hiểu và xác định trách nhiệm của doanh nghiệp của mình trong việc đóng góp với cộng đồng về trách nhiệm để xử lý môi trường. Đối với sản phẩm thải bỏ là dầu mỡ, dầu nhờn, bao bì là chất thải nguy hại. Chúng tôi đánh giá, đây là trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Môi trường mới chỉ quy định trách nhiệm thôi còn phần sử dụng những sản phẩm đi từ tái chế, từ các chu kỳ trước ra dùng sản phẩm tái chế, thì chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước. Đối với những đơn vị đầu tư để tái chế sản phẩm thì đó là một nguồn động viên và cũng là một quỹ để người ta giảm được giá thành sản xuất. Ở đây tức là có mức hỗ trợ về giá và chính sách”, ông Hoàng Trung Dũng chia sẻ. Nhiều ý kiến của doanh nghiệp tại hội thảo cho rằng, cần phải lùi thời gian áp dụng để doanh nghiệp có sự chuẩn bị phù hợp, và cũng là để cho cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị thực hiện thử nghiệm, thí điểm cho các ngành nghề có mức sử dụng, sau đó có kế hoạch và lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp khác. Bà Đặng Tuyết Vinh, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Phần lớn các hiệp hội cũng như các thành viên của Eurocham đều cho rằng, lộ trình thực hiện này quá ngắn, hiệu lực được thực thi được đề đạt trong các dự thảo là 1/1/2022. Theo quan điểm của chúng tôi nếu quyết định áp dụng vào ngay tháng 1/2022 thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm chi phí. Hiện nay thực tế đang vô cùng khó khăn trong sản xuất kinh doanh rồi. Hệ quả của việc tăng thêm chi phí này sẽ là doanh nghiệp buộc phải tăng giá hàng hóa, khiến cuộc sống của người dân chắc chắn sẽ càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn do giá cả hàng hóa đắt hơn và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu kép của Chính phủ”. Về quy trình thực hiện, ông Phan Tuấn hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu được lựa chọn 2 hình thức để thực hiện trách nhiệm của mình là tổ chức tái chế, trong đó nhà sản xuất có 3 lựa chọn bao gồm: Tự tổ chức tái chế, thuê đơn vị tái chế có đủ điều kiện, ủy quyền cho bên thứ ba tổ chức tái chế. Nếu không lựa chọn hình thức này thì có thể lựa chọn hình thức đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam. Phương pháp xác định tỷ lệ tái chế và số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam được dự thảo Nghị định cân nhắc xác định từ kinh nghiệm khoa học quốc tế được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn bối cảnh của Việt Nam. Ông Phan Tuấn Hùng cho biết, đây là quy định bắt buộc đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu: “Trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Ngoài việc xử phạt thì bị buộc nộp số tiền chi ra để tái chế tỷ lệ không thực hiện hoặc không đạt được cộng thêm 30 % số tiền nộp và tăng 10 % nếu tiếp tục không nộp. Trong quá trình đăng ký theo dõi mà phát hiện vi phạm thì sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu”. Đa số ý kiến tại hội thảo cho rằng, trách nhiện tái chế của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu như quy định của Luật Bảo vệ mô trường năm 2020 là cơ chế có nhiều ưu điểm hơn cả vì thông qua nó không chỉ mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất đến giai đoạn sau sử dụng mà nó còn tác động để mở rộng trách nhiệm của người sử dụng và kết hợp với trách nhiệm của nhà tái chế để từ đó có những động lực nhằm quản lý tốt hơn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi trường một cách bền vững./. Theo VOV1
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|