Trưa nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng đoàn đại biểu Việt Nam về đến Hà Nội, kết thúc thành công chuyến thăm Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm Pháp. 

Với lịch trình hoạt động dày đặc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn có gần 80 hoạt động phong phú, đa dạng trên cả bình diện song phương và đa phương. Tại Mông Cổ có 22 hoạt động, tại Ireland có 18 hoạt động và tại Pháp có 36 hoạt động.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đây là chuyến công tác có nhiều lần “đầu tiên” đặc biệt: Là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ sau 16 năm, tới Ireland sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tới Pháp sau 22 năm và cũng là lần đầu tiên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ. 

Phó Thủ tướng cho biết chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công tốt đẹp với những dấu ấn nổi bật.       

Lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội các nước dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng hậu và chu đáo với nhiều biệt lệ, cho thấy sự coi trọng cao và đặc biệt của các nước đối với vị thế, uy tín của Việt Nam; thể hiện sự tin cậy chính trị sâu sắc giữa Việt Nam với các nước.

Đáng chú ý, trong bối cảnh Pháp đang tổ chức Hội nghị cấp cao Pháp ngữ với 100 đoàn nguyên thủ, lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sự quan tâm đặc biệt với các nghi thức lễ tân cao hơn quy định thông thường.

Dấu ấn lịch sử quan trọng

Chuyến công tác là bước triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại, khi đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng trong quan hệ với 3 nước, với 3 Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ, Đối tác Chiến lược lĩnh vực giáo dục đại học Việt Nam - Ireland, nâng cấp quan hệ Việt Nam - Pháp lên Đối tác Chiến lược toàn diện.

Việt Nam và các bên đã ký kết gần 20 văn kiện, trong đó có 7 văn kiện hợp tác với Mông Cổ, 3 văn kiện hợp tác với Ireland, gần 10 văn kiện hợp tác với Pháp.

Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, có nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác giữa Việt Nam và các nước..

Đáng chú ý, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông báo mở Đại sứ quán Việt Nam tại Ireland sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ song phương, đáp ứng mong mỏi của cộng đồng người Việt Nam tại Ireland.

Về điểm nhấn quan trọng, Phó Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện, khẳng định bước tiến đột phá. Đây sẽ là cơ sở và nền tảng vững chắc để củng cố tin cậy chính trị giữa hai nước, đưa quan hệ Việt Nam – Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài phát biểu quan trọng, lan tỏa thông điệp ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh vai trò của các thể chế đa phương, trong đó có Pháp ngữ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã cùng lãnh đạo các nước Pháp ngữ thông qua “Tuyên bố Villers –Cotterêts” với cam kết mạnh mẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển bền vững.

a37fd3aa1dfaa4a4fdeb.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và lãnh đạo các nước dự hội nghị cấp cao Pháp ngữ. Ảnh: Minh Nhật

"Chúng ta cũng đã tận dụng tối đa dịp này để thúc đẩy quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế, qua đó giới thiệu những tiềm năng to lớn về hợp tác thương mại và đầu tư với Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tại hội nghị, Việt Nam được nhắc nhiều trong các thảo luận và được coi là hình mẫu phát triển trong Cộng đồng Pháp ngữ", Phó Thủ tướng cho biết.

Lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ các nước Pháp ngữ, tổ chức quốc tế đã chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam, mong ta chia sẻ kinh nghiệm.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, những dấu ấn nổi bật trong chuyến công tác một lần nữa khẳng định sự đúng đắn của đường lối đối ngoại, không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương mà còn thể hiện vai trò và trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề quốc tế.

Về phương hướng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam và các nước sẽ thúc đẩy triển khai, cụ thể hóa những kết quả đạt được.

Với Mông Cổ, cần triển khai các biện pháp cụ thể để hiện thực hóa Tuyên bố chung quan hệ Đối tác toàn diện, thúc đẩy trao đổi thương mại, tăng cường trao đổi chính sách, giải pháp phát triển ngành nông nghiệp hai bên.

f1ee3886daee63b03aff.jpg
Trong lịch trình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đã thăm những địa điểm lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gắn bó. Ảnh: Minh Nhật

Hai nước phối hợp tháo gỡ khó khăn trong vận tải logistics; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cao, công nghệ số, đổi mới sáng tạo và thông tin truyền thông; nghiên cứu khả năng cung ứng và tiếp nhận lao động theo ngành nghề, lĩnh vực mà thị trường lao động hai bên có nhu cầu.

Với Ireland, các cơ quan liên quan của hai nước sẽ trao đổi, thúc đẩy hợp tác nhằm thực hiện Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam – Ireland, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giáo dục đại học, nông nghiệp và năng lượng, công nghệ cao, chuyển đổi số…

Với Pháp, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh, trao đổi thương mại và đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, tự cường và thúc đẩy giao lưu nhân dân nhằm đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đi vào thực tiễn. 

Với Cộng đồng Pháp ngữ, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ trụ cột kinh tế, nhất là kinh tế số trong không gian Pháp ngữ, đồng thời tận dụng tiềm năng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ để đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, năng lượng, du lịch bền vững, hợp tác khoa học và công nghệ, đổi mới, sáng tạo, hợp tác ba bên nhằm hỗ trợ châu Phi…