Từ cuối tuần trước, thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo sau đợt bán tháo cổ phiếu, tình trạng xấu kéo dài đến đầu tuần này khi dữ liệu cho thấy chỉ số báo cáo việc làm Mỹ yếu hơn dự kiến.
Giá cổ phiếu giảm mạnh sau khi nhà đầu tư đổ lỗi cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vì giữ lãi suất quá cao, ở mức từ 5,25-5,5%, ngay cả khi xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.
Song, hầu hết nhà kinh tế tin rằng nước Mỹ hướng đến việc "hạ cánh mềm", lạm phát giảm xuống mức 2% mà không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.
“Ngoài tỷ lệ thất nghiệp, mọi chỉ số khác hướng đến mức tăng trưởng. Giới đầu tư chưa thực sự tìm hiểu kỹ và đang phóng đại thái quá về thứ gọi là suy thoái kinh tế”, Jason Furman - cựu chuyên gia kinh tế Nhà Trắng, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard - nói.
Chứng khoán toàn cầu biến động dẫn đến lo ngại Mỹ suy thoái kinh tế. |
Đầu tháng 8, báo cáo việc làm cho thấy đây là tháng thứ tư liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng mạnh, lên đến 4,3%. Kết quả báo cáo chịu sự ảnh hưởng lớn bởi tình hình kinh doanh ảm đạm của nhiều công ty lớn như McDonald's và Diageo. Báo cáo cũng phản ánh tình trạng nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ giảm mạnh.
Sau loạt dữ liệu kinh tế yếu kém, một số chuyên gia không dám chắc về sự ổn định bền vững của nền kinh tế số 1 thế giới. Chuyên gia lo ngại Mỹ rơi vào suy thoái, không quá lâu nhưng đủ sâu khiến kinh tế thế giới đi chệch hướng.
“Người ta chỉ bắt đầu lo lắng về sự suy thoái khi họ đã ở trong giai đoạn suy thoái. Nói đơn giản, khi bạn thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng, đó là lúc tình trạng sa thải tạm thời trở thành thất nghiệp vĩnh viễn", Andrew Hollenhorst - nhà kinh tế tại Citi - nhận định.
Dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây đồng thời làm tăng áp lực lên các ngân hàng trung ương thuộc Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) trong việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9.
Nước Mỹ đồng thời đối mặt trở ngại liên quan đến người tiêu dùng. Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng chi tiêu của người dân. Giờ đây, chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng về yếu tố trên, do tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhiều người phá sản do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua ô tô và thẻ tín dụng tăng, đặc biệt là trong các hộ gia đình có thu nhập thấp.
"Khi người tiêu dùng đi lên, kinh tế Mỹ sẽ đi lên. Nhìn chung, người dân Mỹ có thu nhập ổn định nhưng số hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp tăng đáng kể", Ryan Sweet - trưởng nhóm kinh tế của Oxford Economics, Mỹ - đánh giá.
Fed giữ thái độ lạc quan
Giữa lúc nhiều chuyên gia trăn trở tương lai của nền kinh tế Mỹ, một số nhà kinh tế lập luận dữ liệu gần đây không tệ đến mức khiến quốc gia siêu cường kinh tế như Mỹ suy thoái.
Ernie Tedeschi - cựu trưởng nhóm kinh tế của Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng, hiện là giáo sư tại Đại học Yale - nhận định: "Báo cáo gần đây cho thấy Mỹ gần chạm mục tiêu về tình trạng việc làm. Mỹ cần thêm 114.000 việc làm để theo kịp nguồn cung lao động. Đó không phải là một báo cáo yếu kém mà là xu hướng phát triển thị trường”.
Nhiều lãnh đạo của Fed nhận định Mỹ chưa đến mức suy thoái kinh tế. |
Trong khi đó, cơ quan có quyền quyết định chính sách lãi suất vẫn giữ được sự bình tĩnh. Hồi đầu tuần, Austan Goolsbee - Chủ tịch Fed Chicago, thành viên FOMC - mang sự khủng hoảng của chứng khoán toàn cầu ra làm trò đùa. Ông nói "thị trường chứng khoán có nhiều biến động hơn so với Ngân hàng Trung ương Mỹ".
Goolsbee đồng thời thừa nhận số liệu bảng lương phi nông nghiệp yếu hơn dự kiến. Bù lại, tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp so với tiêu chuẩn chung. Nhìn xa hơn, bức tranh kinh tế "vẫn chưa có dấu hiệu suy thoái".
Các quan chức khác của Fed cũng lạc quan về tiềm lực của siêu cường kinh tế số một thế giới. Đầu tuần, Mary Daly - Chủ tịch Fed San Francisco - cho rằng nhiều chi tiết trong dữ liệu việc làm củng cố niềm tin nước Mỹ chỉ chững lại, không đến mức rơi xuống vực thẳm.
Về tình trạng đáng báo động về tỷ lệ nợ quá hạn với khoản vay mua ôtô, nợ tín dụng, Fed cho rằng số liệu chưa đến mức liên quan đến khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.