Văn phòng Tổng giám đốc Hàng không Dân dụng Ấn Độ (DGCA), cơ quan quản lý ngành hàng không nước này, gần đây đề xuất cập nhật điều luật liên quan đến chất cồn, theo đó bổ sung nước hoa vào danh sách 'chất cấm'.
Bên cạnh bia rượu, điều luật hiện hành trong ngành hàng không dân dụng Ấn Độ đã liệt kê một số sản phẩm mà phi công, tiếp viên hàng không bị cấm sử dụng trên các chuyến bay, trong đó có nước súc miệng.
Tuy nhiên, trong đề xuất cập nhật mới, DGCA đã mở rộng danh sách "cấm" bao gồm cả nước hoa, hoặc bất kỳ sản phẩm nào chứa cồn.
“Các thành viên trong khi hành đoàn không được sử dụng đồ uống hoặc bất cứ sản phẩm nào có chứa cồn như nước súc miệng, kem đánh răng, nước hoa. Điều này có thể dẫn đến kết quả xét nghiệm dương tính khi đo nồng độ cồn”.
Hướng dẫn cho biết thêm: “Các thành viên trong phi hành đoàn nếu đang dùng những loại thuốc có chứa cồn cần phải tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi tham gia các chuyến bay”.
Trong khi nước hoa có thể chứa chất cồn, vẫn chưa rõ liệu xức nước hoa trên cơ thể có khả năng làm lệch kết quả kiểm tra độ cồn hay không.
Quy định về các biện pháp an toàn hàng không đã được DGCA phê chuẩn tháng 8/2015. Đề xuất bổ sung đang trong giai đoạn thu thập ý kiến công chúng cho đến ngày 5/10.
Lâu nay, tình trạng phi công say xỉn đôi khi đã trở thành vấn đề trong ngành hàng không.
Năm 2018, phi công Katsutoshi Jitsukawa của Hãng Japan Airlines đã lãnh án tù 10 tháng sau khi kết quả kiểm tra độ cồn lúc máy bay cất cánh cao gấp 9 lần so với mức cho phép.
Đến năm 2019, phi công Gabriel Lyle Schroeder của Hãng Delta bị áp giải khỏi buồng lái trong lúc máy bay đang sẵn sàng rời phi trường vì bị phát hiện say rượu.
Một đại diện hãng hàng không nói với CNN vào thời điểm đó: “Chính sách về rượu của Delta là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất trong ngành và chúng tôi không dung thứ cho những hành vi vi phạm”.