Cuộc gặp gỡ này nhằm giúp hai quốc gia láng giềng Nam Á sở hữu vũ khí hạt nhân này hạ nhiệt căng thẳng liên quan tới tranh chấp lãnh thổ tại Kashmir vốn kéo dài gần 2 năm qua.
Đây là nỗ lực của hai chính phủ Nam Á này nhằm giàn xếp các vấn đề song phương thông qua các kênh ngoại giao. Vùng lãnh thổ Kashmir ở phía Bắc Ấn Độ là nơi xảy ra tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Hai nước đều tuyên bố chủ quyền với vùng đất này và hiện đang quản lý hai phần lãnh thổ của mình.
Theo các nguồn tin giấu tên, các quan chức thuộc Cơ quan Tình báo nước ngoài của Pakistan (ISI) và Cánh Nghiên cứu và Phân tích (RAW) – Đơn vị tình báo hải ngoại Ấn Độ đã gặp nhau ở Dubai dưới sự sắp xếp của nước chủ nhà UAE. Tuy nhiên, phía quân đội Pakistan và Bộ Ngoại giao Ấn Độ đều không có phản hồi trước thông tin này.
Nhận định về nỗ lực đối thoại giữa hai nước láng giềng này, Ayesha Siddiqa, chuyên gia phân tích quốc phòng của Pakistan cho rằng các quan chức tình báo của của Ấn Độ và Pakistan đã từng nhóm họp trong nhiều tháng ở một nước thứ ba.
Chuyên gia này nói: “Tôi nghĩ rằng họ đã tổ chức các cuộc họp ở Thái Lan, ở Dubai, và London giữa những quan chức cấp cao nhất.”
Quan hệ vốn không mấy yên ả giữa Ấn Độ và Pakistan bắt đầu gặp trục trặc sau một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một căn cứ quân sự của Ấn Độ ở Kashmir hồi năm 2019. Ấn Độ đổ lỗi cho nước láng giềng có liên quan tới vụ việc này và sau đó đáp trả bằng 1 vụ không kích ở bên trong lãnh thổ Pakistan. Một năm sau đó, Ấn Độ hủy bỏ quy chế tự trị của bang Jammu và Kashmir nhằm siết chặt quản lý với vùng lãnh thổ có tranh chấp này. Diễn biến này khiến Pakistan nổi giận và quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ giao thông và thương mại với Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới quan sát, sẽ chưa thể có đột phá nhằm giải quyết tình trạng “đóng băng quan hệ” giữa Ấn Độ và Pakistan do hai nước đều đang có các mối bận tâm lớn hơn. Pakistan cần giải quyết những hệ quả của việc Mỹ rút hoàn toàn binh lính khỏi Afghanistan. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn đang đối đầu với tình huống bất ổn hơn nhiều ở tuyến biên giới đang tranh chấp với Trung Quốc./.