tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Ấn quý hồi hương 

Chia sẻ: 

12/12/2023 - 15:17:00


Sau quá trình dài chờ đợi, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - chiếc ấn lớn nhất và đẹp nhất của triều Nguyễn - đã chính thức hồi hương. Như vậy là sau 72 năm lưu lạc, ấn vàng được hồi hương vào đúng dịp 200 năm ấn được đúc (15/3/1823). Hiện ấn đang được bảo quản tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

anh-chinh(1).jpg
Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Chiếc ấn được chọn bàn giao cho chính quyền cách mạng

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VHTTDL), ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng của quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử của Việt Nam.

Ấn "Hoàng đế chi bảo" được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 tức ngày 15/3/1823. Theo các chuyên gia lịch sử và văn hóa, đây là Bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn, nặng 10,78kg.

Trong 143 năm tồn tại với 13 đời vua, triều Nguyễn đã cho chế tác và đưa vào sử dụng hơn 100 chiếc ấn, thường đúc bằng vàng, bạc (gọi là kim bảo), chế tác từ ngọc quý (gọi là ngọc tỷ). Hiện nay, trong sưu tập kim ngọc bảo tỷ của hoàng đế và vương hậu triều Nguyễn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ, bảo quản được 85 kim ngọc bảo tỷ (trong đó, có 2 kim bảo đời Quốc chúa Nguyễn Phúc, còn lại là kim ngọc bảo tỷ của 9 đời vua và vương hậu triều Nguyễn.

Đây là sưu tập ấn nằm trong sưu tập Bảo vật hoàng cung triều Nguyễn, được triều đình nhà Nguyễn giao lại cho chính quyền cách mạng năm 1945 (Liên khu IV lưu giữ sau đó bàn giao cho Bộ Tài chính) và Bộ Tài chính giao cho Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) từ năm 1959.

Sau đó, sưu tập được gửi lưu giữ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến năm 2007, được bàn giao trở lại cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị cho đến nay.

Theo quy định của triều Nguyễn, ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy và ban sắc, thư cho ngoại quốc…”. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn.

Ngày 30/8/1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này, rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), không rõ thông tin về nơi lưu giữ hai cổ vật. Năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953.

Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế.

an-mat-sau.jpeg
Mặt sau của ấn vàng.

Khi ấn quý được công bố… lên sàn

Câu chuyện về chiếc ấn vàng quý giá này bỗng được dư luận trong nước quan tâm khi nhà đấu giá Millon (Pháp) rao bán đấu giá với mức giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu Euro (khoảng 49-73 tỷ đồng). Thời gian đấu giá ban đầu được thông báo là ngày 31/10/2022. Ngay sau đó, các nhà nghiên cứu, sưu tập cổ vật cũng như các cơ quan văn hóa ở Việt Nam rất quan tâm đến thông tin này.

Các chuyên gia đã phân tích các quy luật của câu chuyện hồi hương cổ vật.

Theo đó, thông thường sẽ có 3 giải pháp trong trường hợp này. Đó là thông qua ngoại giao, thông qua đấu tranh pháp lý và đấu giá trực tiếp. Cuối cùng, giải pháp thông qua đàm phán được thực hiện, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành ở Việt Nam, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ VHTTDL…

Cũng chính vì lựa chọn phương án đàm phán, nên câu chuyện hồi hương cho ấn “Hoàng đế chi bảo” cũng cần nhiều thời gian hơn vì cần thực hiện qua nhiều bước.

Chính vì thế, nếu theo dõi những động thái từ nhà đấu giá Millon, cũng thấy có nhiều thông báo liên quan đến cuộc đấu giá này. Đầu tiên là Millon thông báo phiên đấu giá dời đến ngày 10/11/2022. Sau đó lại thông báo dời đến ngày 18/11/2022, và cuối cùng thì ra thông báo chính thức hủy bỏ đấu giá vào ngày 15/11/2022. Điều đó cho thấy những nỗ lực hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ phía Việt Nam là rất bài bản, quyết liệt nhưng cũng hết sức mềm mỏng.

Và đúng 1 năm sau, ngày 16/11/2023 tại Pháp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an (Việt Nam), đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, và đại diện UNESCO đã chứng kiến lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam.

Ngày 18/11/2023, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã về tới Việt Nam.

Tại buổi lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ngày 16/11 tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết: Quá trình hồi hương ấn vàng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài trong 2 tuần, là khoảng thời gian gay cấn nhất khi ta tiếp nhận thông tin về cuộc đấu giá của hãng Millon rao bán ấn vàng của Bảo Đại và phải đấu tranh để dừng đấu giá và thỏa thuận song phương về việc chuyển giao ấn.

Giai đoạn thứ hai bắt đầu từ lúc hai bên bước vào thương thảo để chuyển giao ấn và kéo dài hơn trong suốt một năm qua. Ba ngày trước khi phiên đấu giá dự kiến diễn ra, sau nhiều giờ đồng hồ trao đổi, thương lượng giữa hai nhóm luật sư của Việt Nam và của hãng Millon, hãng Millon đã chấp thuận hoãn bán đấu giá ấn vàng để phía Việt Nam thương lượng chuyển nhượng cổ vật theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.

Vì sao ấn quý lại về bảo tàng tư nhân?

Câu hỏi mà nhiều người đang quan tâm, đó là vì sao ấn quý “Hoàng đế chi bảo” hiện lại đang được bảo quản, trưng bày tại bảo tàng tư nhân ở Bắc Ninh? Xin thưa rằng, ở thời điểm xuất hiện thông tin đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, thời gian gấp gáp nếu thực hiện theo đúng các quy định về tài chính, sẽ khó có thể thực hiện được. Do vậy, việc tổ chức cá nhân mua ấn "Hoàng đế chi bảo" đưa về Việt Nam được đánh giá là phương án khả thi.

Bên cạnh đó, khi thực hiện các biện pháp hồi hương ấn vàng này, các cơ quan chức năng đã xác định rõ quan điểm: chỉ cần hồi hương được ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" mà không đặt nặng vấn đề chiếc ấn sẽ thuộc sở hữu nhà nước hay sở hữu tư nhân. Tổ chức, cá nhân mua được chiếc ấn có thể tự nguyện hiến tặng cho Nhà nước hoặc giữ sở hữu với cam kết sẽ trưng bày, giới thiệu, phát huy giá trị tới đông đảo công chúng và Nhà nước được quyền ưu tiên mua lại (theo quy định tại Khoản 2, Điều 43 Luật Di sản văn hóa).

Và một điều quan trọng hơn, ở thời điểm nhà đấu giá Millon đưa thông tin về phiên đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” (tháng 10/2022), ông Nguyễn Thế Hồng - chủ nhân Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, đã đăng ký tham dự phiên đấu giá này, với mức phí đặt cọc 100.000 Euro (khoảng 2,5 tỷ đồng). Cuối tháng 11/2022, ông Hồng sang Pháp tham dự phiên đấu giá và thu thập thông tin quanh ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”.

Với giá 2-3 triệu Euro mà nhà đấu giá Millon đưa ra, kết hợp với khả năng sẽ nhiều người tham gia phiên đấu giá (cả những người đấu ẩn danh), nên ông Hồng dự đoán nếu đấu giá sòng phẳng thì không thể mua được ấn vàng vì mức giá chốt phiên sẽ rất cao.

Do vậy, có nguồn tin chia sẻ, khi đó, ông Nguyễn Thế Hồng đã gọi điện tới Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh nhờ báo cáo với Bộ VHTTDL xin được trình bày nguyện vọng. Sau đó, Bộ VHTTDL đã liên hệ với Bộ Ngoại giao, và các cơ quan liên quan để tìm cách hồi hương cổ vật…

Tháng 11/2022, Chính phủ đã thành lập đoàn liên ngành, gồm Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, 2 chuyên gia của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, 3 chuyên gia các Bộ liên quan.

Đoàn bay sang Paris gặp ông Nguyễn Thế Hồng và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để thống nhất giao ông Hồng đứng ra cùng thương thảo với các đối tác. Sau các cuộc đàm phán, các bên thống nhất không đấu giá ấn vàng "Hoàng đế chi bảo", mà để ông Nguyễn Thế Hồng đại diện Việt Nam đứng ra mua theo giá thỏa thuận.

Ngày 13/1/2023, ông Nguyễn Thế Hồng sang Paris, ký chính thức với nhà đấu giá Millon bản hợp đồng mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo".

Cũng phải nói thêm rằng, trước khi có “cú chốt” này, các cơ quan được Nhà nước giao cho lo liệu vụ này cũng tính đến 2 khả năng xảy ra khi ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được tổ chức, cá nhân mua về nước.

Họ có thể hình thành bộ sưu tập tư nhân, sở hữu tư nhân tuy nhiên cần có cam kết ưu tiên Nhà nước mua lại ấn vàng nhằm hoàn thiện sưu tập cổ vật triều Nguyễn, phục vụ nhiệm vụ bảo quản, phát huy giá trị di sản văn hóa và các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử của dân tộc ở phạm vi quốc gia.

Giá mua khi đó tối đa bằng giá đã mua của hãng đấu giá Millon và các khoản thuế, phí hợp lý. Trường hợp nữa là họ hiến tặng Nhà nước.

Một phương án khác cũng đã được tính đến việc không có tổ chức, cá nhân đứng ra mua ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" để hồi hương. Lúc đó, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ VHTTDL) sẽ được giao đàm phán mua và quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị, để hoàn thiện bộ sưu tập của bảo tàng.

Đây là phương án dự phòng. Kinh phí mua ấn vàng từ nguồn ngân sách nhà nước (chi thường xuyên) với mức giá không vượt quá mức giá trần khởi điểm do hãng đấu giá niêm yết trên trang website của hãng là không vượt quá 3 triệu Euro, chưa bao gồm các khoản thuế, phí liên quan theo quy định của Pháp (ước tính khoảng 20%).

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, trong quá trình trưng bày, ngoài việc bán vé, có thể kêu gọi tài trợ, công đức gây quỹ để bù đắp cho chi phí "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo". Việc kêu gọi này đồng thời cũng có thể chuẩn bị cho nguồn quỹ di sản để có thể chủ động trong việc hồi hương cổ vật Việt Nam trong tương lai.

Như vậy, có thể thấy, các nỗ lực và phương án để hồi hương bằng được ấn quý “Hoàng đế chi bảo” đã được thực hiện, hoặc xem xét thực hiện. Đồng thời, để tránh những khúc mắc sau này, ngày 12/11/2022, Cục Di sản văn hóa đã xin phép và ký kết thỏa thuận về việc đàm phán mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng ấn vàng cho Nhà nước với Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, với cam kết:

“Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ VHTTDL, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 của Luật Di sản văn hóa, sau một thời gian phù hợp khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam.

Chi phí chuyển giao bao gồm: chi phí trả cho việc thuê luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế)”.

Do đó, ông Nguyễn Thế Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời sẽ thực hiện việc lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang hoàn thiện không gian trưng bày và các phương án bảo vệ ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Bảo vật hiện được bày trong tủ kính được làm riêng, đặt trên kệ gỗ là đồ thời Nguyễn, do ông Hồng mua lại từ một nhà sưu tập.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ được trưng bày trước Tết
Hiện tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đang chờ ý kiến của các cơ quan văn hóa để tổ chức buổi lễ ra mắt chiếc ấn. Theo thông tin từ một vị lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, dự kiến trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng sẽ tổ chức buổi lễ ra mắt chiếc ấn, đồng thời trưng bày để phục vụ khách tham quan, tìm hiểu.
Trong năm 2024, chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” sẽ xuất hiện tại các trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Hà Nội, cũng như tại Thừa Thiên-Huế.
Tỉnh Bắc Ninh cũng sẽ sớm đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với cổ vật này và đề nghị chủ sở hữu hiện vật có chế độ bảo quản đặc biệt cho ấn vàng khi về Việt Nam.

Theo Đại đoàn kết
Ý kiến bạn đọc
captcha
công ty cổ phần phát triển đô thị Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 23/11/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV