An toàn đưa đón học sinh: Tốn kém cũng phải làm!14/06/2024 - 10:33:00 Việc siết chặt yêu cầu kỹ thuật với loại hình xe đưa - đón học sinh có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải song cần thiết để ngăn những vụ việc đau lòng xảy ra
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo thông tư ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô, thay thế Quy chuẩn QCVN 09:2015/BGTVT. Quy chuẩn này áp dụng với xe chuyên dụng, xe nhập khẩu mới đưa - đón học sinh. Siết quy định xe đưa - đón học sinh Dự thảo quy chuẩn mới được xây dựng trong bối cảnh không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra do bất cẩn bỏ quên học sinh trên xe đưa - đón. 5 năm trước, sáng 6-8-2019, gia đình đưa bé L.H.L ra ô tô đưa - đón học sinh để đến Trường Phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Chiều cùng ngày, gia đình nhận được cuộc gọi của cô giáo phụ trách đón học sinh, thông báo bé L. đã tử vong. Mới đây nhất, vụ việc bé trai T.G.H ở tỉnh Thái Bình bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt nhiều giờ dẫn đến tử vong, tiếp tục là bài học đau xót. Trước thực tế trên, Bộ GTVT đề xuất quy định xe chở học sinh là ô tô chở người chuyên dùng, không ít hơn 9 chỗ ngồi. Riêng xe chở học sinh mẫu giáo, tiểu học thì phải có thêm tối thiếu 1 chỗ ngồi cho người quản lý. Xe chở từ 29 học sinh mẫu giáo, tiểu học trở lên phải có thêm 2 chỗ ngồi cho người quản lý (không bao gồm tài xế). Đồng thời, xe chở học sinh mẫu giáo có số lượng không quá 45 người; xe chở học sinh tiểu học, THCS không quá 56 người. Không được sử dụng xe buýt 2 tầng và xe buýt nối toa làm xe chở học sinh. Về mặt kỹ thuật, xe đưa đón học sinh phải được trang bị thiết bị quan sát toàn bộ hành khách thông qua gương chiếu hậu bên trong cùng hệ thống camera giám sát hành vi của tài xế, người giám hộ và học sinh. Trên xe phải có hệ thống còi báo động khẩn cấp, hệ thống liên lạc trực tiếp đến tài xế hoặc người quản lý để cảnh báo khi có học sinh bị bỏ quên trên xe, thời gian không quá 15 phút. Hệ thống này có một số nút bấm khẩn cấp tại một số vị trí đặc biệt, dễ quan sát trên xe. Học sinh khi bị bỏ quên trên xe có thể ấn vào nút khẩn cấp, hệ thống sẽ được kích hoạt phát ra tiếng còi báo động bảo đảm người đứng bên ngoài ở khoảng cách tối thiểu 50 m phải nghe được. Đồng thời, hệ thống sẽ liên lạc khẩn cấp đến tài xế, người quản lý học sinh. Âm thanh chỉ dừng lại khi có người mở cửa, kiểm tra xe và tắt hệ thống. Hệ thống cũng bắt buộc tài xế phải kiểm tra khoang chở học sinh thông qua thao tác bấm nút đặt ở cuối xe. Sau 3 phút kể từ khi tắt máy, rút chìa khóa khỏi ổ mà tài xế không bấm nút, chuông cảnh báo sẽ reo lên và không thể khóa được cửa xe. Dự thảo cũng quy định xe chở học sinh phải được sơn màu vàng đậm; có dấu hiệu nhận biết là xe buýt trường học; có thiết bị giới hạn tốc độ không vượt quá 80 km/giờ. Ghế ngồi phải được trang bị dây đai an toàn hai điểm; xe được trang bị ít nhất một bộ sơ cứu, có bình chữa cháy.
Xe hợp đồng đưa đón học sinh tại Hà NộiẢnh: Ninh Giang Loại hình dịch vụ đặc thù Ông Trần Văn Đạt, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đồng tình với các quy định tại dự thảo. Theo ông Đạt, thời gian qua, dịch vụ ô tô đưa - đón học sinh phát triển ở nhiều địa phương song đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc như chưa thực hiện đúng quy trình đưa đón, học sinh bị văng ra khỏi xe, thậm chí bỏ quên học sinh nhiều giờ trên xe dẫn đến tử vong... Ngoài ra, còn có tình trạng sử dụng xe không bảo đảm chất lượng, tài xế chưa đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn... Để khắc phục, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần đề xuất đưa một số quy định về hoạt động đưa - đón học sinh bằng ô tô, xe buýt trường học và dịch vụ đưa đón học sinh nói chung vào dự thảo Luật Đường bộ. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là cần xem vận chuyển học sinh là loại hình vận tải đặc biệt với những quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Trong đó, cần quy định trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ này; yêu cầu tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề. "Do trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông nên xe buýt trường học cần được coi là loại hình đặc thù, được trang bị phù hợp, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất. Chẳng hạn, cần có hệ thống thoát hiểm trên xe, hệ thống tự động rà soát và cảnh báo, camera kết nối với hệ thống giám sát, quy định màu sơn và các thiết bị cảnh báo bằng ánh sáng, âm thanh..." - ông Đạt góp ý. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhiều nước đã áp dụng quy định về xe đưa - đón học sinh nhằm bảo đảm an toàn cho các em. Việt Nam cũng cần siết chặt yêu cầu kỹ thuật với loại hình này, không thể buông lỏng quản lý như hiện nay. Tuy nhiên, do việc áp dụng quy chuẩn khắt khe sẽ làm tăng chi phí đầu tư nên theo ông Quyền, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho những đơn vị đầu tư phương tiện tham gia kinh doanh dịch vụ này.
Xe buýt chở học sinh ở Mỹ có màu vàng đặc trưngẢnh: Blue Bird Tăng cường trách nhiệm của nhà trường Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, dù các quy định của pháp luật có chặt chẽ và chi tiết đến đâu nhưng người thực thi không làm hết trách nhiệm và bên giám sát không thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thì vẫn có khả năng xảy ra sai sót. "Việc thực hiện quy chuẩn ở các địa phương đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là trách nhiệm tổ chức tập huấn của doanh nghiệp vận tải, cơ sở giáo dục cùng việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, phát hiện và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng" - ông Minh góp ý. TS Phan Lê Bình, Phó trưởng đại diện Văn phòng Tư vấn OCG Nhật Bản, cho rằng giải pháp kỹ thuật đối với phương tiện chỉ là một trong nhiều biện pháp phòng ngừa rủi ro. Quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, là ý thức tuân thủ quy trình đưa đón bảo đảm an toàn của tài xế, người phụ trách, giáo viên... Nhấn mạnh việc bảo đảm an toàn cho học sinh cần trách nhiệm điều hành của nhà trường chứ không hoàn toàn của doanh nghiệp vận tải, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT, cho rằng các trường cần có quy định cụ thể về quy trình đưa đón, xác nhận tên tuổi... để doanh nghiệp thực hiện theo. Nếu cả hai phía cùng kiểm tra, điểm danh thì sẽ không xảy ra những chuyện không hay... Kinh nghiệm hay từ các nước Ở Mỹ, xe đưa đón học sinh được thiết kế sao cho dễ nhìn thấy và bao gồm các tính năng an toàn như gương chiếu hậu, tay báo dừng, cửa thoát hiểm thứ hai ở trên nóc xe, camera giám sát trong xe... Ngoài ra, ghế đệm trong xe có lưng cao, chịu lực cao và có thể bảo vệ trong trường hợp lật hay va chạm. Tài xế đi trên các tuyến đường luôn duy trì tốc độ chậm. Bên cạnh đó, xe có một hệ thống thắt dây an toàn riêng biệt. Xe buýt loại nhỏ khoảng 5 tấn trở xuống phải được trang bị dây đai ngang bụng hoặc thắt lưng và vai. Quan trọng hơn hết là có hệ thống xác nhận không có học sinh bị bỏ sót trong xe. Hệ thống này yêu cầu các tài xế mỗi lần tắt máy buộc phải di chuyển tới cuối xe để bấm nút xác nhận, qua đó có thể kiểm tra từng hàng ghế nhằm chắc chắn không còn học sinh nào. Theo đài truyền hình CBC, Bộ Giao thông Vận tải Canada cũng thiết lập các tiêu chuẩn thiết bị an toàn cho xe buýt trên toàn quốc. Tương tự Mỹ, xe đưa đón học sinh ở Canada đều phải trang bị thiết bị cảnh báo ngăn bỏ quên trẻ trên xe ở phía sau xe bằng cờ hoặc biển báo. Sau mỗi chuyến, tài xế phải kiểm tra xe và đi bộ ra phía sau xe, dùng tay lật biển báo. Trong khi đó ở Anh, các đơn vị vận tải đứng ra nhận thầu xe đưa đón học sinh từ nhà nước và tuân thủ theo các quy định thiết kế nghiêm ngặt. Các xe đi theo lộ trình được định sẵn, sao cho thuận tiện nhất với học sinh và có mức độ an toàn giao thông cao nhất. Theo NLĐ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|