Một nghiên cứu của tổ chức Phân tích an toàn đường bộ, Vương quốc Anh cho thấy, sự lóa mắt do mặt trời là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông vào sáng sớm, từ 6h sáng đến trưa và khi mặt trời chuẩn bị lặn vào xế chiều.
Kết luận này được dựa trên dữ liệu về các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra từ năm 2009 đến năm 2013. Tại Anh, mỗi năm có gần 4.000 người bị thương do tai nạn vì nguyên nhân này.
Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê chính thức, song trên mạng xã hội không khó bắt gặp các tình huống tài xế đối diện nguy cơ xảy ra va chạm khi bị ánh nắng chiếu gây chói mắt gây khó chịu khi lái xe. Mới đây nhất, trên mạng xã hôi ghi nhận tình huống xảy ra với một tài xế ở Thái Nguyên, khi lái xe trong điều kiện nắng cuối chiều, thoắt ẩn hiện chiếu thẳng vào mắt, khiến anh suýt đâm vào xe chở gỗ chạy ngược chiều…
Mặc dù vậy, việc lưu ý, tránh ánh nắng trực tiếp, kéo dài trong thiết kế đường giao thông mới chỉ được coi là yếu tố để xem xét, chứ chưa được coi là yếu tố bắt buộc. Tiêu chuẩn VN 4054 về đường ô tô, ban hành từ năm 2005 cũng chỉ yêu cầu thiết kế đường phải phối hợp tốt các yếu tố về bình đồ, mặt cắt dọc, mặt cắt ngang và tận dụng địa hình để tạo nên một tuyến đường đều đặn trong không gian, đảm bảo tốt tầm nhìn và ổn định cơ học, nhằm thực hiện các mục tiêu: đáp ứng lưu lượng xe phục vụ thích hợp để đảm bảo chất lượng dòng xe thông hành hợp lý; đảm bảo an toàn tối đa và thuận tiện cho các phương tiện và người sử dụng đường; có hiệu quả tốt về kinh tế…
Có nhiều lý do để các đơn vị quy hoạch, thiết kế đường bỏ qua yếu tố thời tiết, ánh nắng khi thiết kế đường, như: ưu tiên hiệu quả kinh tế; điều kiện địa hình, địa chất, ánh nắng thay đổi từng phút…
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, trong quá trình thiết kế và xây dựng hệ thống đường bộ, việc đảm bảo an toàn giao thông là ưu tiên hàng đầu, các yếu tố ảnh hưởng đến ATGT cần được tính đến. Việc tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào mặt tài xế, dù là yếu tố phụ, những đã được đặt ra, ít ra là trong công tác đào tạo, cũng cần được lưu tâm, vì điều này có thể gây ra những TNGT nghiêm trọng.
Các biện pháp giảm thiểu tác động của ánh nắng trực tiếp, bao gồm việc thiết kế đường sao cho hạn chế tối đa hướng đi thẳng về phía mặt trời cần được chú ý hơn, trước khi tính đến việc sử dụng các thiết bị che nắng trên xe của tài xế.
Đồng thời, việc tạo ra những điểm cong hợp lý trên đường cũng cần được xem xét. Việc thiết kế đường cong không chỉ mang lại sự thẩm mỹ cho cảnh quan mà còn buộc tài xế phải giảm tốc độ, từ đó tăng khả năng kiểm soát xe và giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Đồng thời, những đoạn đường cong nhẹ nhàng và hợp lý có thể giúp tài xế duy trì sự tập trung, tránh hiện tượng buồn ngủ hoặc mất tỉnh táo khi lái xe trên những đoạn đường thẳng, dài và nhàm chán.
Một hệ thống giao thông an toàn và hiệu quả đòi hỏi sự cân bằng giữa nhiều yếu tố thiết kế khác nhau. Tránh ánh nắng trực tiếp và thiết kế đường cong chỉ là hai trong số rất nhiều yếu tố cần được xem xét. Các yếu tố khác bao gồm việc thiết kế lối ra vào hợp lý, đảm bảo hệ thống chiếu sáng tốt vào ban đêm, trồng cây xanh tạo cảnh quan hai bên đường và việc duy trì bề mặt đường luôn trong tình trạng tốt.
Việc thiết kế đường bộ là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự xem xét kỹ lưỡng của mọi yếu tố hướng đến việc đảm bảo an toàn giao thông ở mức cao nhất. Tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào mặt tài xế cần được xem là một trong những biện pháp để giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tối đa, cần phải có sự kết hợp đồng bộ của nhiều yếu tố thiết kế khác nhau, cùng với việc áp dụng công nghệ hiện đại và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Chỉ khi đó, mới có thể xây dựng một hệ thống giao thông an toàn và hiệu quả.