Quyết định được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn nước này từ hơn 1 năm qua.
Theo lệnh cấm chuẩn bị ban hành, các cơ sở sản xuất, các cửa hàng bán đồ nhựa sử dụng một lần như bát đĩa nhựa, dao dĩa… sẽ bị coi là bất hợp pháp. Mỗi năm, quốc gia này sử dụng khoảng 1,1 tỷ chiếc đĩa dùng một lần và 4,2 tỷ mặt hàng dao nhựa, ly, cốc; trong số đó chỉ có 10 % được tái chế.
Theo các chuyên gia môi trường ở Anh, một chiếc dĩa nhựa có thể mất 200 năm để phân hủy và đây là tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất cho các đại dương trên thế giới, đe dọa sự sống của hàng nghìn loài sinh vật.
Bà Kiera Box, nhà vận động môi trường người Anh, nhóm “Những người bạn của Trái Đất” bày tỏ:“Tôi mong chính phủ Anh cần đưa ra những giải pháp xóa bỏ ngay việc dùng đồ nhựa một lần. Đây là nguồn ô nhiễm lớn cho các đại dương. Hàng ngàn km bờ biển ngập rác thải nhựa đang trở thành nỗi ám ảnh cho sự sinh tồn của các loài động vật”.
Hiện có hàng tỷ mặt hàng nhựa sử dụng một lần được xử lý mỗi năm ở Anh, thay vì tái chế. Đây là một trong những “gánh nặng” về môi trường với đất nước này. Chính vì vậy, quyết định tiến tới cấm sản xuất và kinh doanh đồ nhựa dùng một lần của chính phủ Anh nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân nước này.
Anh Paris Michalidis, người đồng sáng lập “litle Panda”, doanh nghiệp kinh doanh set đồ dùng bàn ăn bằng tre, gỗ bày tỏ: “Chúng tôi muốn góp một tiếng nói “cảnh tỉnh” người tiêu dùng trước thảm họa sinh thái mà đồ nhựa dùng một lần gây ra. Như chúng ta biết, các set đồ ăn sử dụng đồ nhựa giờ có ở khắp nơi trên thế giới, phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy nó. Vì vậy, các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên như tre, gỗ thay thế là giải pháp cần thiết lúc này”.
Lệnh cấm các loại đồ nhựa sử dụng 1 lần lẽ ra có hiệu lực từ nhiều tháng trước nhưng bị trì hoãn vì Covid-19. Việc chuẩn bị ban hành lệnh cấm vào thời điểm này được cho là hơi muộn khi lệnh cấm tương tự đã được áp dụng ở Scotland và xứ Wales./.