Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 7h sáng nay (31/5), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 111,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-61km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo đến 7h ngày 1/6, áp thấp nhiệt đới trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ 15km/h, có khả năng mạnh lên thành bão. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 8, giật 10.
Khoảng 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới trên đất liền phía Đông tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc với tốc độ khoảng 15km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu và tan dần.
Theo các chuyên gia khí tượng, tuy áp thấp nhiệt đới ít có khả năng vào đất liền nước ta, nhưng gây mưa lớn nhiều nơi trên cả nước.
Cụ thể, từ đêm 30 đến sáng 31/5, ở khu vực Tây Bắc và Nam đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h đến 8h sáng có nơi trên 130mm như: Nà Tấu (Điện Biên) 185.6mm, Đồng Tâm (Hòa Bình) 135mm, Con Cuông (Nghệ An) 161.4mm, Hương Điền (Hà Tĩnh) 188mm,…
Dự báo hôm nay, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to và giông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Cùng ngày, khu vực Quảng Trị-Quảng Ngãi có mưa rào và giông rải rác; cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa 10-20mm, có nơi trên 40mm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối nay có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, mưa giông còn có khả năng duy trì trong nhiều ngày tới ở Tây Nguyên và Nam Bộ, thời gian mưa tập trung vào chiều và tối. Nguyên nhân là gió mùa Tây Nam đã được thiết lập, khu vực chính thức bước vào mùa mưa.
Ngoài ra, do tác động của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) mưa rào và giông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh; sóng biển cao 2,5-3,5m.
Phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao 2-3m, biển động.
Chiều 30/5, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, theo quy luật của khí hậu, giai đoạn đầu mùa, bão/ATNĐ ít khả năng di chuyển vào đất liền nước ta. Đến thời điểm hiện tại với cơn ATNĐ đầu mùa này ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của ATNĐ, mưa lớn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của ATNĐ; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đề phòng dông lốc cục bộ. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 15, từ kinh tuyến 111,0-115,0 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo). Đối với các tỉnh, thành phố khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình, rà soát, sẵn sàng phương án để ứng phó với mưa lớn trên 120mm/24h gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. |