Bên cạnh trách nhiệm và sự vào cuộc của cơ quan chức năng nhằm kiểm soát sản phẩm giả trên thị trường, người dân cũng cần biết cách nhận ra khi nào mình đã nhiễm độc! PV VOVGT có cuộc đối thoại với bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trưởng khoa Chống độc, BV Bạch Mai về vấn đề này.
PV: Trước hết xin bác sĩ cho biết rượu giả, kém chất lượng có thể khiến người uống đối mặt với nguy hiểm tới mức độ nào ạ?
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: Với rượu thường uống nhiều cũng nguy hiểm, gây ngộ độc cấp tính vì nó là chất ức chế thần kinh, thậm chí nặng có thể ngừng thở, thở yếu, hạ thân nhiệt thậm chí tử vong.
Còn với rượu giả, cồn công nghiệp methanol thì nó là chất độc rồi, uống vào lúc đầu cũng say, tưởng rượu thường nhưng sau 1 2 ngày sau nó mới chuyển hóa chất độc, gây tổn thương mắt, mù mắt, tổn thương chảy máu não, chảy máu trong.
Tỷ lệ tử vong do uống rượu giả rất cao, 10 người uống thì 3-5 người tử vong, mà không thì cũng để lại di chứng.
PV: Vậy dựa vào dấu hiệu nào để nhận ra cơ thể người uống đã bắt đầu nhiễm độc, từ đó ngừng uống ngay và kịp thời cấp cứu, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên: Chỉ có một số ít trường hợp, nếu người uống chủ động, vẫn có thể nhận diện được triệu chứng, hoặc tốt nhất là may mắn có người ngoài nhận ra dấu hiệu mới chính xác được.
Ví dụ đang uống thì hành vi khó kiểm soát, lời nói, thái độ, hành vi vượt kiểm soát, nói không chuẩn, nói quá nhiều, nặng nữa thì là phản xạ chậm, đứng đi không vững, về nhà bỏ bữa, hạ đường huyết, thì hôm sau gia đình mới phát hiện ra thì đã tổn thương não và hôn mê mất rồi.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!