Trong tất cả cuộc cách mạng, đặc biệt là cách mạng giải phóng dân tộc, vấn đề xác định thời cơ, chuẩn bị lực lượng cách mạng và chớp thời cơ khởi nghĩa là điều hết sức quan trọng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định, chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. 

Sớm nhận thức được “vấn đề thời cơ” có tầm quan trọng, quyết định đối với sự thành bại của cách mạng, ngay từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận định về thời cơ cách mạng Đông Dương. Đó là “đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú có nhiệm vụ phải thúc đẩy cho thời cơ đó mau đến”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời cơ cách mạng và tình thế cách mạng có liên quan trực tiếp và biện chứng với nhau, phải chuẩn bị lực lượng, phát triển lực lượng để tạo ra thời cơ. Và khi có thời cơ, tình thế cách mạng thì phải chớp thời cơ, phát động khởi nghĩa giành thắng lợi.

Bài học về thời cơ và chớp thời cơ trong Cách mạng tháng Tám ảnh 1

Mùa Thu năm 1945 mãi mãi khắc ghi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi. Ảnh: TTXVN

78 năm đã trôi qua nhưng bài học về thời cơ và chớp thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Khi vận dụng điều này vào thực tiễn hiện nay, cần nhận thức rõ những nhân tố thuận lợi, thời cơ và những khó khăn, thách thức để kịp thời có đối sách xử lý hiệu quả.

 

Về thời cơ thuận lợi, Đảng ta khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, vấn đề nhận biết được thời cơ và chớp thời cơ, vận dụng vào thực tiễn để giành thắng lợi không dễ dàng. Bởi bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam (VN) bị tác động bởi những thách thức mang tính toàn cầu. Đó là khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, xung đột vũ trang khu vực, khủng bố quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vấn đề cạnh tranh và tranh chấp nguồn lợi giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số, sự chênh lệch giàu - nghèo, tham nhũng, sự chống phá của các thế lực thù địch, âm mưu thực hiện “diễn biến hòa bình”; vấn đề yếu kém trong công tác cán bộ, trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội… cũng là những thách thức to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Vì vậy, nghiên cứu, học tập, vận dụng sáng tạo bài học về thời cơ và chớp thời cơ giành thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám sẽ giúp VN tăng cường xây dựng lực lượng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế, tạo nên sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại... Từ đó, đưa sự nghiệp cách mạng tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước VN hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.