tham tử hà nội, tham tu ha noi, thue tham tu, thuê thám tử, dịch vụ thám tử, dich vu tham tu, văn phòng thám tử, công ty thám tử,

Báo chí nhân văn khởi nguồn từ văn hóa

Chia sẻ: 

15/06/2022 - 08:43:00


Một nền báo chí nhân văn là nền báo chí dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Nhưng suy cho cùng luật pháp hay đạo đức cũng đều được xây dựng trên “móng” sâu là những giá trị chung của văn hóa. Vậy muốn báo chí nhân văn thì văn hóa báo chí phải đẹp và ngược lại văn hóa cũng cần được lan tỏa đến cộng đồng qua sứ giả là báo chí.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam – một cây bút được biết đến bởi chất văn hoá trong mỗi bài bình luận thời cuộc.

Nhà báo lan tỏa giá trị nhân văn

- Từng đoạt 9 Giải Báo chí quốc gia và toàn quốc, có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp báo chí và sự nghiệp văn hoá, đặc biệt được độc giả mến mộ bởi chất văn hoá trong các bài bình luận thời cuộc; theo ông, giữa văn hóa và báo chí, truyền thông có mối quan hệ qua lại nào không?

- Có chứ, thậm chí rất khăng khít. Bởi báo chí chính là một bộ phận rất quan trọng của văn hoá và ngược lại văn hóa lại là môi sinh của báo chí. Chính vì thế, giữa văn hoá và báo chí là mối quan hệ hữu cơ gắn bó hết sức mật thiết. Nhà báo là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hoá tư tưởng, mỗi sản phẩm báo chí chất lượng cao chính là một sản phẩm văn hoá có tác động truyền toả ra xã hội. Các nhà báo ngoài trách nhiệm thông tin còn có trách nhiệm lớn hơn nữa là truyền toả giá trị văn hoá. Vì thế, một sản phẩm báo chí chất lượng cao luôn được nhìn nhận như là một sản phẩm văn hoá.

- Ông vừa chia sẻ về mối quan hệ giữa văn hóa và truyền thông. Vậy chắc hẳn trong hoạt động truyền thông, báo chí cũng cần phải có “chất văn hóa”, soi chiếu vào thực tiễn hiện nay, ông nhận thấy như thế nào?

- Văn hoá truyền thông của chúng ta đang chịu tác động mạnh mẽ của thời đại kĩ thuật số với những nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, Tiktok,… đã và đang tạo những áp lực rất lớn trong công cuộc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Báo chí nhân văn khởi nguồn từ văn hóa ảnh 1

Nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Chúng ta phải khẳng định là các nền tảng xuyên biên giới có tiện ích rất to lớn đối với xã hội. Trên thực tế, thời gian qua, các giá trị văn hoá của Việt Nam được truyền tải mạnh mẽ qua các trang mạng xã hội. Chúng ta kết nối được các thành viên trong xã hội, kết nối Việt Nam với thế giới trong sự hội nhập ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại có những hiện tượng, xu hướng rất đáng lo ngại, đó là những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử văn hoá trên mạng xã hội. Cụ thể, có những livestream trên mạng xã hội từ một số nhân vật có những hành vi dị hợm, ngang ngược, được lan truyền một cách chóng mặt, thu hút hàng trăm nghìn người theo dõi. Đáng tiếc, một số cơ quan báo chí truyền thông thay vì cảnh báo, phê phán thì lại tiếp tay, quảng bá cho những hành vi lệch chuẩn đó. Tôi nghĩ đó là sự tham gia thiếu trách nhiệm của báo chí, thậm chí gây tổn hại đến xã hội.

Báo chí có vai trò đưa thông tin ra xã hội nhưng những thông tin đó phải là thông tin đúng đắn, bảo vệ, tôn vinh cái đẹp, cái tốt, đấu tranh phê phán cái xấu, cái ác để lan toả những điều tốt đẹp, xây đắp niềm tin xã hội.

- Vậy theo ông, những người làm báo cần làm gì để kiến tạo nên một văn hóa truyền thông tốt đẹp, lành mạnh?

- Cách đây 6 năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Chỉ có một trang giấy với 350 chữ thôi, nhưng ở đó chắt lọc nguyên tắc làm nghề của những người làm báo Cách mạng Việt Nam. Tôi nhớ rõ Điều 5 nêu rõ các nhà báo phải có trách nhiệm và chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Điều 5 này cập nhật được những vấn đề mới của đời sống xã hội trong thời đại truyền thông kĩ thuật số.

Để làm rõ hơn nữa trách nhiệm báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã nghiên cứu, ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, trong đó quy định rõ 4 điều nên làm và 8 điều không được làm. Quy định này tác động mạnh mẽ trong điều chỉnh nhận thức và hành động của giới báo chí khi tham gia mạng xã hội. Cùng với việc chúng ta thực hiện Luật Báo chí thì 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam cùng với Quy tắc sử dụng mạng xã hội đã và đang góp phần rất tích cực xây dựng một nền báo chí Việt Nam vừa giàu tính chiến đấu, vừa giàu tính nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại.

Bên cạnh đó, nói ứng xử văn hoá là nói đến đạo đức, nói đến mối quan hệ giữa con người với xã hội, giữa con người với nhau. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mạng xã hội phát triển một cách chóng mặt và chưa kiểm soát được, những người làm báo hơn ai hết càng phải có trách nhiệm với xã hội. Chúng ta làm nghề với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, bảo vệ giá trị tốt đẹp của dân tộc. Chúng ta chống lại những cái gì lai căng, những tổn hại đến nền tảng đạo đức, nền tảng tinh thần xã hội. Người làm báo phải luôn tiên phong trong mặt trận văn hoá tư tưởng của Đảng.

Tôi nghĩ, các nhà báo đang làm một nghề rất đặc biệt. Không đơn thuần để mưu sinh mà ý nghĩa cao quý thiêng liêng của nghề báo là bảo vệ công lý và lẽ phải, vì lợi ích của cộng đồng, đất nước, dân tộc.

Sứ mệnh báo chí gắn với sứ mệnh truyền tỏa văn hóa

- Ở trên chúng ta đã nhắc đến văn hóa truyền thông, vậy nhìn ngược lại, theo ông, làm thế nào để báo chí truyền thông thực sự góp phần vào xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam mới?

- Báo chí truyền thông có một vai trò quan trọng đối với xây dựng văn hoá, phát triển văn hoá và xây dựng con người Việt Nam chúng ta toàn diện. Chúng ta hay nói văn hoá Việt Nam, con người Việt Nam là một sức mạnh nội sinh, là một động lực phát triển, điều đó chỉ trở thành hiện thực khi báo chí phát huy được vai trò tích cực của mình trong việc khẳng định các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong việc chắt lọc tinh hoa văn hoá của nhân loại, trong công cuộc hội nhập ngày càng sâu sắc. Vì thế, vai trò của báo chí luôn được đánh giá hết sức quan trọng.

Mỗi nhà báo cần phải luôn tâm niệm: báo chí chỉ thực sự làm tốt sứ mệnh của mình khi làm tốt sứ mệnh truyền toả văn hoá. Tôi thấy rằng báo chí của chúng ta thời gian vừa qua thực hiện khá tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để làm tốt hơn chức năng này, theo tôi các quy định luật pháp về báo chí cần phải được rà soát, hoàn thiện hơn. Làm sao để báo chí hoạt động trên nền tảng pháp lý vững chắc và các nhà báo của chúng ta có thể phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm và giá trị đạo đức trong hoạt động báo chí. Cho dù chúng ta đang gặp khó khăn, nhưng tôi có niềm tin vững chắc là hệ thống pháp luật về báo chí sẽ ngày càng được hoàn thiện.

Nguồn sống báo chí chính là thông tin. Chúng ta phải thiết lập cơ chế cung cấp thông tin kịp thời, chính xác. Để xã hội nhận thức sự việc đúng đắn thì báo chí phải vào cuộc một cách kịp thời và chuẩn xác. Chúng ta xác lập độ tin cậy, sức thuyết phục của báo chí bằng tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức trong sáng của người làm báo.

Cùng với đó, theo tôi hiện nay trong khi các cơ quan báo chí truyền thông của chúng ta đang phấn đấu để nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí thì vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt, trong đó có vấn đề bảo đảm nguồn thu của báo chí. Một số cơ quan đảm bảo được khá tốt đời sống cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, duy trì hoạt động ngày càng phát triển nhưng có không ít cơ quan báo chí đang vật lộn với vấn đề cơm áo, gạo tiền, đó cũng là những tác động không mong muốn, ảnh hưởng đáng kể đến chuẩn mực hành nghề của một bộ phận làm báo.

- Vậy theo ông, với mỗi người làm báo cần phải làm gì để thực hiện sứ mệnh truyền tỏa văn hóa?

- Để thực hiện sứ mệnh truyền toả văn hoá, theo tôi, người làm báo cần đủ ba yếu tố quan trọng nhất: Bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông trong nghề nghiệp và đạo đức nghề báo. Sự chính trực của nghề làm báo, trách nhiệm của nghề làm báo và lương tâm của người làm báo là yếu tố cốt lõi, sống còn của nghề báo.

Tinh thông nghề nghiệp trong thời đại truyền thông kĩ thuật số là chúng ta sử dụng được các thành tựu khoa học công nghệ để phát huy cao nhất hiệu quả chất lượng nội dung, đó chính là các giá trị văn hoá. Trên phương diện trách nhiệm, lương tâm, khi đưa một thông tin ra xã hội, chúng ta phải đo lường được thông tin này sẽ tác động thế nào, để đảm bảo tính nhân văn của báo chí luôn được xuyên suốt mạnh mẽ, sâu sắc trong toàn bộ quá trình làm báo, từ khi chúng ta tiếp cận tư liệu, xử lý tư liệu, rồi hình thành tác phẩm báo chí và lan truyền ra xã hội.

Cho dù dưới định chế của pháp luật hay quy định về đạo đức thì báo chí vừa phải nâng cao tính chiến đấu vừa phải nêu cao tính nhân văn, hướng về con người và tôn trọng con người. Nhìn rộng ra, thế giới hiện đại đang rối bời và mệt mỏi bởi sự hỗn loạn về thông tin. Nhân loại không cần những người thành công bằng mọi giá, bằng cách sẵn sàng làm tổn hại lợi ích chung, làm tổn thương người khác. Xã hội đang cần những con người có thể xoa dịu những nỗi đau, an ủi và hàn gắn những vết thương…

Báo chí đang đứng trước những thử thách gay gắt. Có những điều pháp luật không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Kiến thức, thông tin ở trong đầu và đạo đức phải ở trong tim mỗi người cầm bút thì mới có thể làm cho báo chí trở nên hữu ích, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy mới xây dựng được một nền báo chí nhân văn và hướng thiện, vì con người và tôn trọng con người. Giữ gìn phẩm giá, lòng tự trọng nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần kiên tâm như một nguyên tắc tối thượng. Trong “cơn bão” của thời đại số hóa, báo chí có thể tạo ra sự khác biệt bằng lối đi khác biệt, thông thái và độc đáo. Báo chí trí tuệ, báo chí chân chính, báo chí nhân văn vẫn luôn có cơ hội và sức hấp dẫn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Với 40 năm tuổi nghề, Nhà báo Hồ Quang Lợi đã trải qua các vị trí công tác của nghề báo, rồi làm Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập và các công việc quản lý như Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều đầu sách viết về chính trị, về nghề báo như: Thế sự và mắt nhìn, Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc, Cuộc bứt phá toàn cầu,… Năm 2019, Nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách “Thời cuộc và Văn hóa”, lột tả được mối quan hệ biện chứng thế cuộc – văn hóa, nhấn mạnh giá trị văn hóa trong cuộc sống hiện nay.

Trần Đức Anh (thực hiện
Theo Pháp luật VN
Ý kiến bạn đọc
captcha
Tin cùng chuyên mục
công ty cổ phần phát triển đô thị Chào mừng 30.4 chiến thắng điện biên phủ Cổng thông tin tỉnh hải dương cổng thông tin hội đồng nhân dân

Lịch phát sóng

Radio online
Giá vàng JSC
Khu vực Mua vào Bán ra
Ngoại tệ
Mã NT Mua TM Mua CK Bán
USD 23.00 23.00 23.00
SGD 17.00 17.00 17.00
JPY 159.90 161.52 169.28
GBP 29.00 29.00 30.00
EUR 25.00 25.00 26.00
CAD 17.00 17.00 17.00
AUD 15.00 15.00 15.00

Thông tin thời tiết

Dự báo thời tiết Hải Dương

Hôm nay, 28/04/2024

°C -°C

°C -°C

°C -°C
Theo TTKTTV