Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường (Ảnh: Bùi Hùng) 

Phóng viên (PV): Ngày 20/7 tới đây, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ khoá XV, những nội dung nào sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định, thưa đồng chí?

Ông Bùi Văn Cường: Có thể nói Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện 5 nội dung rất quan trọng.  

Thứ nhất, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, trên cơ sở đó phải thông qua tư cách đại biểu. Đồng thời, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri qua tiếp xúc cử tri cũng như qua phản ánh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.  

Thứ hai, Quốc hội sẽ quyết định về nhân sự của các cơ quan Nhà nước. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần đồng bộ, liên thông và thống nhất với nghị quyết của Đảng.

Thứ ba, Quốc hội sẽ quyết định những vấn đề về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và những phương hướng, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, đặc biệt là các chương trình 5 năm. Đó là chương trình về phát triển kinh tế - xã hội, về đầu tư công, về tài chính ngân sách sách, đặc biệt là nợ công và những vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính.

Nếu Quốc hội không quyết định việc này thì sẽ rất khó khăn cho Chính phủ trong việc triển khai điều hành cụ thể. Vì đây là thể chế Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, phải thông qua được những chủ trương này, nếu chậm thông qua thì về đầu tư công sẽ rất khó khăn, càng chậm thì càng làm cho việc thúc đẩy phát triển chậm hơn.

Thứ tư, Quốc hội sẽ thông qua 2 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ năm, Quốc hội sẽ thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; sửa đổi, điều chỉnh chương trình pháp luật năm 2021; thông qua chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022. Đây là những nội dung hết sức quan trọng, nhất là các chương trình của cả nhiệm kỳ, vấn đề nhân sự…

Đây là kỳ họp nếu thực hiện tốt và chất lượng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

PVNhư ông trao đổi, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung, đặc biệt là công tác nhân sự. Xin ông cho biết có điểm mới gì trong chương trình xem xét, quyết định nhân sự lần này không?

Ông Bùi Văn Cường: Công tác nhân sự thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo quy trình và được làm rất chặt chẽ, dành thời gian thỏa đáng để đại biểu thảo luận tại đoàn về công tác nhân sự. 

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu nêu, trên cơ sở đó thực hiện theo đúng nguyên tắc về tập trung dân chủ. Theo đó, thực hiện bỏ phiếu kín hay cho ý kiến bằng phiếu kín thì tất cả công việc này đều thực hiện đúng theo quy định.

PVThưa ông, Kỳ họp đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa mới được kỳ vọng sẽ đặt nền móng tạo ra sự thay đổi, bứt phá. Ông có đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị ?

Ông Bùi Văn Cường: Có thể nói kỳ họp này được triển khai, chuẩn bị rất kỹ cả về nội dung và điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Nhất là để đảm bảo chất lượng kỳ họp thì phần nội dung được các cơ quan của Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan thẩm định kỹ lưỡng, có những gợi ý rõ ràng những nội dung mà đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến.

Kỳ họp này Quốc hội không xây dựng pháp luật nên chủ yếu trong những vấn đề về kinh tế - xã hội, về đầu tư công hay về tài chính, ngân sách thì đại biểu cần cho ý kiến về nội dung gì thì trên cơ sở gợi ý như vậy, đại biểu sẽ cho ý kiến tập trung, như thế sẽ quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng chuẩn bị kỹ các báo cáo tiếp thu, giải trình.

Kỳ họp này cũng có nhiều đổi mới, đó là Văn phòng Quốc hội đã lập một tổ thư ký với các đồng chí có nhiều kinh nghiệm ở các Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, sau đó tập huấn, phân công. Trên cơ sở đó, 19 tổ thảo luận sẽ có 38 đồng chí “tinh nhuệ” nghe các ý kiến của đại biểu, sau đó tổng hợp, báo cáo những nội dung tiếp thu, giải trình mà đại biểu nêu đảm bảo tất cả các ý kiến của đại biểu đều được phản ánh một cách đầy đủ, đảm bảo được tôn trọng. Trên cơ sở đó, những ý kiến xác đáng được tiếp thu, ý kiến không tiếp thu sẽ phải giải trình một cách cụ thể để đại biểu thấy thuyết phục góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp tốt hơn.  

Bên cạnh đó, quá trình tham gia ý kiến khi Ban chấp hành Trung ương họp liên quan đến những lĩnh vực 5 năm thì Đảng đoàn Quốc hội đã rất trách nhiệm tham góp ý kiến sâu sắc. Chính vì thế khi đã được tiếp thu, cơ bản là sự đồng thuận giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ với Đảng đoàn Quốc hội. Bởi khi đã tiếp thu những ý kiến góp ý rồi, sau này còn những vấn đề khác từ góc nhìn của đại biểu ở địa phương, cơ sở góp ý thêm thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng. Như vậy, chất lượng sẽ ngày càng tốt hơn.  

PV: Thưa ông, nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với một số tỉnh, thành phố phía Nam. Vậy phương án tham dự kỳ họp đối với các đoàn đại biểu Quốc hội ở các tỉnh, thành phố này như thế nào?  

Ông Bùi Văn Cường: Để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ các phương án trong phòng, chống dịch COVID-19. Từ kết quả và thành công của đợt bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua, chúng ta rút ra nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức. Chính vì thế mà Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã có các biện pháp để phòng, chống COVID-19 hết sức chặt chẽ.

Trước hết, với các đại biểu Quốc hội đều được tiêm vaccine và xét nghiệm COVID-19. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chúng tôi cũng yêu cầu các đại biểu thực hiện nghiêm, đó là: Không tổ chức giao lưu, không rời khỏi nơi cư trú và nơi họp Quốc hội. Đại biểu nào có việc rời khỏi nơi cư trú phải báo cáo và phải được sự cho phép của trưởng đoàn. Đồng chí trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm và đảm bảo về sự an toàn này.

Đối với các tỉnh, thành phố có giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, sáng 17/7, trong buổi làm việc giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ đã thống nhất: Về nguyên tắc, người ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khi về Hà Nội (nếu là công dân bình thường thì phải cách ly) nhưng đối với các đại biểu Quốc hội, khi đã xét nghiệm 3 lần có kết quả âm tính, đã tiêm vaccine thì được về dự họp bình thường. Tuy nhiên vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Văn phòng Quốc hội đã bố trí các đoàn này ở riêng khách sạn, đi phương tiện riêng đến Hội trường Nhà Quốc hội để họp, khi vào trong Hội trường cũng đi lối riêng; ngồi trong hội trường cũng có một khu vực riêng.

Hiện chúng tôi cũng có phương án dự phòng, nếu phát hiện những đại biểu có biểu hiện thì sẽ có phòng họp riêng để cách ly nhưng vẫn được tham dự đầy đủ tất cả các nội dung của Kỳ họp và vẫn thực hiện các nhiệm vụ bỏ phiếu như bình thường. Kể cả khi đại biểu giải lao giữa giờ cũng có khu vực riêng cho các đại biểu này.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho việc xét nghiệm, kiểm tra y tế sẽ tiến hành thường xuyên. Các đại biểu sau khi xét nghiệm 3 lần ở địa phương, khi về họp Quốc hội vẫn sẽ tiếp tục xét nghiệm 2 lần nữa để đảm bảo thật sự an toàn. Đó là phòng, chống COVID-19 đối với các địa phương có giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

PVVậy với các đại biểu đến từ các địa phương khác thì phương án sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Văn Cường: Như tôi đã nói, các phương án đều được chuẩn bị kỹ và phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Không tổ chức các hoạt động giao lưu, liên hoan, gặp mặt. Không rời khỏi nơi đại biểu ở, phải theo quy định của Ban tổ chức và thực hiện nguyên tắc 5K.

Trong quá trình họp cũng sẽ thực hiện các lần xét nghiệm. Chúng tôi cũng tổ chức đo thân nhiệt, theo dõi các biểu hiện và đảm bảo khử khuẩn thường xuyên. Nói chung công tác chuẩn bị đã đảm bảo an toàn tốt nhất cho đại biểu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

 
Kim Thanh