Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp sâu sắc, tập trung vào việc hoàn thiện các quy định pháp luật, khắc phục các vướng mắc còn tồn tại trong thực tiễn triển khai các luật trên.
Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách địa phương
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) bày tỏ sự đồng tình với dự thảo sửa đổi, bổ sung 7 luật trình tại kỳ họp, đặc biệt là những sửa đổi liên quan đến Luật Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải rà soát lại các quy định liên quan đến nhiệm vụ chi ngân sách, bảo đảm sự bao quát đầy đủ các nội dung đã được quy định trong các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, và Luật Đấu thầu.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Ông cũng kiến nghị bổ sung quy định về việc sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để hỗ trợ các địa phương khác trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, thảm họa nghiêm trọng, phòng chống dịch bệnh, hoặc xây dựng các công trình tại khu vực biên giới, hải đảo. Theo đại biểu, đây là điều cần thiết để bảo đảm tính linh hoạt trong việc quản lý ngân sách và đáp ứng các yêu cầu thực tế phát sinh.
Đại biểu đoàn Đà Nẵng cũng cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách, bao gồm các nhiệm vụ chi cần thiết khác như an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, và phòng chống thiên tai, để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách ở các cấp địa phương, bảo đảm tính chủ động của địa phương trong điều hành thu, chi ngân sách.
Thứ trưởng Y tế-đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH) |
Tham gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc quản lý và sử dụng tài sản công trong lĩnh vực y tế, Thứ trưởng Y tế-đại biểu Nguyễn Tri Thức (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chủ trương liên doanh, liên kết trong y tế là một bước đi đúng đắn, giúp ngành y tế có thể trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh.
Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành chưa quy định rõ việc sử dụng quyền sử dụng đất của các bệnh viện công lập trong các dự án liên doanh, liên kết. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong việc triển khai các dự án đầu tư mới để xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế.
Đại biểu Thức kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cho phép các cơ sở y tế công lập có thể sử dụng tài sản là quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án liên doanh, liên kết.
Ông cũng nhấn mạnh, đối với tài sản là thương hiệu của các đơn vị sự nghiệp công lập, cần có quy định rõ ràng về cách xác định giá trị thương hiệu để tránh tình trạng không minh bạch trong việc góp vốn liên doanh, liên kết.
Bổ sung các đối tượng kiểm toán mới, bảo đảm tính minh bạch
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đóng góp ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) đã nêu ý kiến về Điều 3 trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập. Bà thống nhất với việc bổ sung các đối tượng kiểm toán mới, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn và các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng, nhằm bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp này, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về mức phạt tiền tối đa trong dự thảo, với mức phạt lên đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Bà cho rằng mức phạt này quá cao so với các lĩnh vực khác và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kiểm toán độc lập, một ngành đang thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.
Đại biểu Chung cũng đề nghị sửa đổi một số quy định về thời hiệu xử phạt và mức phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán để bảo đảm tính hợp lý, tương xứng với mức độ vi phạm.
Ngoài ra, bà cũng đề xuất bổ sung quy định yêu cầu kiểm toán viên phải là hội viên của một tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán, nhằm nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác kiểm toán độc lập.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH) |
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ cảm ơn các ý kiến đóng góp đại biểu đã phát biểu về dự thảo luật sửa 7 luật do Bộ Tài chính chủ trì. Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện các quy định pháp luật, trình Quốc hội thông qua.
Về Luật Ngân sách Nhà nước, Phó Thủ tướng cho biết, việc sửa đổi nhằm giải quyết những vướng mắc, nhất là trong việc phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách Trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Các ý kiến về xung đột với Luật Đầu tư công đã được Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi kỹ lưỡng. Phó Thủ tướng khẳng định, các quy định sửa đổi đều bảo đảm tính đồng bộ, minh bạch, không làm phá vỡ chính sách tài khóa.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Về nguồn vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù là từ vượt thu ngân sách hay tiết kiệm chi ngân sách vẫn sẽ tuân thủ quy trình đầu tư công với sự giám sát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả và trách nhiệm.
Liên quan Luật Tài sản công, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, đã thay đổi toàn diện quy trình điều chuyển, phân cấp quản lý tài sản từ Trung ương đến địa phương, với thẩm quyền rõ ràng của các cấp, bảo đảm tính minh bạch, trách nhiệm trong quản lý tài sản công.
Về Luật Chứng khoán, Phó Thủ tướng nêu rõ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu về việc phát hành cổ phần và điều chỉnh quy định liên quan đến bảo lãnh phát hành.
Các quy định này nhằm thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển ổn định, minh bạch. Đồng thời, việc kiểm soát vốn điều lệ, phát hành ra công chúng sẽ bảo đảm tính minh bạch và tránh lợi dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.