Bao giờ hàng hóa giảm giá theo xăng?30/07/2022 - 15:41:00 Giá xăng được dự báo tiếp tục giảm trong kỳ điều hành tiếp theo (1/8). Trước đó, giá xăng cũng đã được điều chỉnh giảm từ 33.000 đồng/lít về 26.000 đồng/lít. Tuy nhiên, trái với mong đợi của người tiêu dùng, giá cả hàng hóa vẫn ''cố thủ'' ở mức cao.
Mặt bằng giá đã neo rất cao Trao đổi với PV, bà Vũ Thanh Hương, chủ cửa hàng tạp hóa ở chợ Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, trong suốt hơn 2 tháng nay, giá nhiều mặt hàng không hề có sự nhúc nhích và thời điểm hiện tại, chưa thấy mặt hàng nào giảm giá. Đơn cử: Mì tôm kokomi chua cay có giá 80.000 đồng/ thùng hơn 3 tháng nay, dầu ăn Simply hạt cải chai 1 lít vẫn giữ giá 62.000 đồng suốt 2 tháng trở lại đây. Khảo sát của PV tại nhiều đại lý trên địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, giá cả các mặt hàng tiêu dùng không có sự suy chuyển, mặc dù giá xăng dầu đã hạ nhiệt. Tại các chợ Thành Công, Hà Đông, Phùng Khoang, giá các loại rau xanh, thực phẩm tươi sống, đồ khô, dầu ăn, mì tôm… đều neo ở mức cao. Cụ thể, thịt lợn dao động từ 110.000 – 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước); dầu ăn Simply có giá 130.000 đồng/chai 2 lít (tăng 15.000 đồng). Chị Thùy Dương (ở 536 Minh Khai, Hà Nội) khẳng định, giá cả chỉ có tăng mà không giảm. “Hiện nay giá xăng đã giảm hơn 6.000 đồng/lít nhưng tôi vẫn chưa thấy loại hàng hóa nào giảm giá. Không biết sắp tới giá xăng giảm thêm nữa, giá hàng hóa có giảm hay không?” – chị Dương thắc mắc. Nhận định về khả năng giảm giá hàng hóa, các tiểu thương cho rằng, còn phụ thuộc đầu mối cung cấp. Đại diện một số siêu thị lớn cũng cho biết, điều chỉnh giá luôn có độ trễ mà giá xăng dầu hiện còn diễn biến thất thường, 10 ngày điều chỉnh 1 lần nên các nhà sản xuất, cung ứng vẫn còn nghe ngóng. Hơn nữa, giá hàng hóa cấu thành từ nhiều chi phí, mà giá xăng dầu, chi phí vận chuyển chỉ chiếm một phần trong đó. Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Khối vận hành Saigon Co.op cho biết, áp lực tăng giá lên nhà bán lẻ thời gian tới sẽ giảm phần nào, do đó hệ thống sẽ có thêm nhiều chương trình khuyến mãi dành cho người tiêu dùng. Hiện Saigon Co.op đã kịp thời phối hợp với các nhà cung cấp để có kế hoạch giảm giá liên tục trong ít nhất 3 tháng tới cho các nhóm hàng thiết yếu, hàng bình ổn giá như các loại gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, một số mặt hàng sữa, các loại gia vị, cũng như các loại thực phẩm khô. Còn đại diện các siêu thị như MM Mega Market, Lotte Mart, Winmart... cho biết sẽ sớm đề nghị các nhà cung cấp giảm giá bán thực phẩm ở mức hợp lý, đặc biệt sản phẩm chịu nhiều ảnh hưởng từ xăng dầu như thủy, hải sản... Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa Khi giá xăng giảm, điều nhiều người dân cũng như giới chuyên gia quan tâm nhất là nhóm hàng giao thông sẽ được điều chỉnh ra sao bởi đây là ngành chịu tác động trực tiếp từ "bão" giá xăng, dầu và cũng ảnh hưởng trực tiếp tới giá của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh khác. Ông Nguyễn Ngọc Anh - chủ doanh nghiệp (DN) vận tải Ngọc Anh cho biết, giá cước vận tải của DN hiện nay vẫn giữ ở thời điểm điều chỉnh giá vào tháng 3. Bởi thời điểm DN điều chỉnh giá cước làm hồ sơ đề nghị tăng giá dịch vụ vận tải, giá xăng, dầu chỉ khoảng hơn 26.000 đồng/lít, tương đương với mức giá hiện nay sau 2 lần giảm liên tiếp. Đại diện DN cũng hy vọng, với những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, cùng các biện pháp bình ổn giá xăng, dầu, giá nhiên liệu sẽ tiếp tục giảm về mức năm 2021 để có thể điều chỉnh hạ giá cước vận tải. Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, các DN vận tải taxi muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình. Mỗi lần điều chỉnh giá cước cần đến cả tháng mới có thể triển khai, do phải trải qua các công đoạn, như đề xuất mức giá cước mới, chờ được chấp thuận từ 5-7 ngày, sau đó, liên hệ với các cơ quan đăng kiểm để tổ chức kiểm định đồng hồ tính tiền. Chưa kể chi phí cho việc kiểm định này không nhỏ, với mức phí 100.000 đồng/đồng hồ. Chia sẻ với PV, anh Mạnh Hà (một tài xế xe công nghệ tại Hà Nội) cho biết, giá xăng dù có giảm nhưng nắng nóng, liên tục phải mở điều hòa cũng như tắc đường khiến nhiên liệu tiêu hao nhanh. Giá xăng giảm là điều đáng mừng cho người chạy xe, nhưng việc quyết định giá giảm ra sao còn phụ thuộc vào hãng. “Bản thân các tài xế cũng mong các hãng công nghệ giảm giá cước để người dân gọi xe công nghệ nhiều hơn” – anh Hà nói. Lý giải về việc giá cả chưa có động thái giảm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá xăng dầu giảm sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí chi tiêu cho người dân và DN. Thông thường khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá các loại hàng hóa khác và tạo nên mặt bằng giá mới. Nay giá xăng đã giảm nhưng phía nhà cung ứng nguyên liệu, hàng hóa vẫn đang nghe ngóng, cân nhắc. Cần tăng cường kiểm soát giá các loại hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá. PGS.TS Ngô Trí Long nêu quan điểm, tâm lý của người kinh doanh bao giờ cũng muốn giữ giá. Trong khi giá không phải do Nhà nước quy định, mà là sự thỏa thuận giữa người bán và người mua. Nên khi người tiêu dùng không có phản ứng thì chắc chắn người bán hàng sẽ không tự động giảm giá. Hiện, người dân kỳ vọng các mặt hàng có thể giảm theo giá xăng dầu để có thể phù hợp với mức thu nhập bình quân của người lao động. Tại cuộc họp của Thủ tướng Phạm Minh Chính với một số Bộ trưởng và lãnh đạo các bộ, ngành tập trung bàn những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mới đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh, giá xăng, dầu đã giảm, yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát. Theo Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|