Hôm 1-7, chính quyền tỉnh Hải Nam - Trung Quốc thông báo đóng cửa 3 cảng khi các nhà dự báo thời tiết phân loại bão Chaba là cơn bão nhiệt đới nghiêm trọng. Theo Reuters, Chaba hiện ở phía Đông đảo Hải Nam và dự kiến đổ bộ vào vùng bờ biển của tỉnh này và tỉnh Quảng Đông từ chiều tối 2-7 đến sáng 3-7. Theo Reuters, bão này được dự báo sẽ mạnh thêm vào thời điểm đổ bộ vào đất liền.

Do ảnh hưởng của bão, theo Tân Hoa Xã, gió mạnh và mưa xối xả dự kiến "tấn công" một số khu vực ở các tỉnh Hải Nam, Quảng Đông, Phúc Kiến và Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trong những ngày cuối tuần.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Trung Quốc cho biết tàu thuyền cần vào nơi trú tránh tại các bến cảng và khuyến cáo các khu vực liên quan có biện pháp đề phòng lũ ống, sạt lở. Chính quyền tỉnh Hải Nam cũng bắt đầu kích hoạt ứng phó khẩn cấp cấp độ III đối với lũ lụt và tạm dừng các dịch vụ phà hôm 1-7.

Bão lũ đe dọa khắp nơi - Ảnh 1.

Các nhân viên cứu hộ nỗ lực tìm kiếm những người mất tích trong trận lũ bùn ở Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Còn tại Ấn Độ, thống kê ngày 1-7 cho thấy đã có ít nhất 19 người chết và 50 người mất tích trong lũ bùn xảy ra ở miền Đông Bắc một ngày trước đó. Binh sĩ, cảnh sát và lực lượng cứu hộ đã phải dùng máy ủi để tìm kiếm những người bị vùi dưới đống đổ nát ở thị trấn Noney, gần thủ phủ Imphal của bang Manipiur. Tuy nhiên, địa hình hiểm trở đang gây khó khăn cho các nỗ lực cứu hộ.

Mưa lớn chưa từng có tại các bang miền Đông Bắc Ấn Độ và nước Bangladesh láng giềng trong tháng 6 đã khiến hơn 150 người thiệt mạng. Lũ lụt nghiêm trọng còn khiến nhiều ngôi nhà chìm trong biển nước và buộc hàng triệu người rời bỏ nhà cửa.

Mưa lớn cũng đe dọa gây đau đầu cho nước Úc trong những ngày tới. Cục Khí tượng Úc vừa cảnh báo bang New South Wales sẽ hứng chịu mưa lớn từ ngày 2-7, có nguy cơ gây lũ lụt lớn. Nhà khí tượng học cấp cao Dean Narramore nhận định với đài ABC rằng lượng mưa lên tới 100-200 mm có thể trút xuống TP Sydney và các khu vực dọc bờ biển trong vòng 5 ngày. Những người sống và làm việc ở các khu vực gần sông, suối được cảnh báo phải theo dõi dự báo thường xuyên và nhanh chóng di tản khi cần thiết.

Một cơn bão khác đã gây mưa giông lớn ở khắp miền Nam vùng Caribbean. Bão này được dự báo sẽ đổ bộ vào Trung Mỹ vào cuối tuần này, theo hãng tin AP. Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, bão có thể gây ra lượng mưa từ 75-125 mm trên khắp miền Bắc Colombia, 125-250 mm ở Nicaragua và Costa Rica, từ đó đe dọa gây ra lũ quét. 

Nắng nóng hoành hành tại Nhật Bản

Nước Nhật đang trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, buộc chính phủ thúc giục người dân vừa tiết kiệm điện càng nhiều càng tốt trong lúc sử dụng máy điều hòa để bảo vệ sức khỏe. Theo Reuters, khu vực quanh thủ đô Tokyo hôm 1-7 có nhiệt độ hơn 35 độ C trong ngày thứ 7 liên tiếp và tình trạng này dự kiến kéo dài đến cuối tuần. Đáng chú ý, nhiệt độ tại TP Isesaki là 40,3 độ C, cao nhất cả nước từ đầu năm đến giờ. Một số thị trấn ở phía Bắc Tokyo nóng đến 40 và 40,1 độ C. Riêng nhiệt độ của trung tâm Tokyo là 37 độ.

Kể từ khi hoạt động thu thập dữ liệu được tiến hành vào năm 1875, tháng 6 vừa qua đã chứng kiến mức nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận. Gần 5.000 người đã nhập viện do sốc nhiệt và kiệt sức vì nhiệt giữa lúc nắng nóng cực đoan hành hành. Theo Cơ quan Quản lý thiên tai và hỏa hoạn Nhật Bản, con số này cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu sử dụng điện tại vùng thủ đô Tokyo, nơi sinh sống của khoảng 37 triệu người, đã tăng mạnh trong thời gian nắng nóng, đe dọa gây ra tình trạng mất điện hôm 30-6. Nhà chức trách buộc phải có những biện pháp đối phó khi nhu cầu dự kiến còn tăng những ngày tới, trong đó có việc kêu gọi doanh nghiệp và hộ gia đình giảm sử dụng điện trong khung giờ từ 15 - 18 giờ vào một số ngày. Đáp ứng lời kêu gọi trên, một số công ty đã giảm bớt giờ làm việc, cho tắt bớt đèn hoặc yêu cầu nhân viên rút công tắc những thiết bị không sử dụng.