Siêu bão số 3 (tên quốc tế là YAGI) đang hướng vào khu vực Bắc Bộ nước ta cường độ rất mạnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 6/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17.
Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết dự báo đến 4 giờ ngày 7/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông; bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20 km/giờ và đi vào Bắc vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh khoảng 160 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 17.
Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông và phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, độ rủi ro thiên tai cấp 4; phía Tây của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và Nam vịnh Bắc Bộ; độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Như vậy, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ đang được các chuyên gia dự báo độ rủi ro thiên tai cấp 4 (màu đỏ) - cấp rủi ro lớn, chỉ ngay sau cấp 5 (màu tím) - rủi ro ở mức thảm họa.
Theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg ngày 22/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ, có 3 cấp độ rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão (cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5); được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.
Cấp độ rủi ro của mỗi loại thiên tai được phân tối đa thành 5 cấp và được gắn với một màu đặc trưng trên các loại bản đồ, theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai. Cụ thể, cấp 1 - màu xanh dương nhạt là rủi ro thấp; cấp 2 - màu vàng nhạt là rủi ro trung bình; cấp 3 - màu da cam là rủi ro lớn; cấp 4 - màu đỏ là rủi ro rất lớn; cấp 5 - màu tím là rủi ro ở mức thảm họa.
Rủi ro thiên tai do áp thấp nhiệt đới, bão được phân thành 3 cấp (từ cấp 3 đến cấp 5); rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá được phân thành 2 cấp (cấp 1 và cấp 2); rủi ro thiên tai do mưa lớn được phân thành 4 cấp (từ cấp 1 đến cấp 4).
Cấp độ rủi ro của hai hay nhiều thiên tai xảy ra đồng thời hoặc liên tiếp, có thể điều chỉnh tăng lên 1 cấp dựa trên tác động của thiên tai. Trong trường hợp có nguy cơ xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cấp độ rủi ro có thể được xem xét tăng lên hai cấp, cao nhất là cấp 5.
Rủi ro thiên tai cấp độ 3 gồm các trường hợp được dự báo áp thấp nhiệt đới, bão cấp 8, cấp 9 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Cùng với đó là dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực Trường Sa, Hoàng Sa); vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên hoặc dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực Trường Sa, Hoàng Sa).
Rủi ro thiên tai cấp độ 4 gồm các trường hợp dự báo bão mạnh cấp 10, cấp 11 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ; dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên vùng biển ven bờ, đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; dự báo bão rất mạnh từ cấp 14, cấp 15 hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ; dự báo bão từ cấp 14 trở lên hoạt động trên Biển Đông (bao gồm cả khu vực Trường Sa, Hoàng Sa).
Rủi ro thiên tai cấp độ 5 gồm các trường hợp dự báo bão rất mạnh cấp 12, cấp 13 hoạt động trên đất liền khu vực Nam Bộ; dự báo bão rất mạnh cấp 14, cấp 15 hoạt động trên đất liền các khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ; dự báo siêu bão từ cấp 16 trở lên hoạt động trên vùng biển ven bờ; đất liền khu vực Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ./.