Ô nhiễm không khí là một cảnh báo môi trường nghiêm trọng mà nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt. Phần lớn ô nhiễm không khí xuất phát từ khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy và xe mô tô.
Hiện nay với hàng triệu xe lưu thông mỗi ngày, việc kiểm soát khí thải trở nên cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống. Số lượng xe máy đăng ký tại Việt Nam hiện khoảng 70 triệu, trong đó hơn 45 triệu xe đang được người dân sử dụng hàng ngày. Với hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, giá ôtô cao hơn nhiều so với mức thu nhập bình quân đầu người, xe máy vẫn là phương tiện lưu thông chính của người dân, chiếm số lượng nhiều trong giao thông đường bộ, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Doanh số xe mới hàng năm ở Việt Nam những năm qua trung bình khoảng gần 2,8 triệu chiếc. Doanh số kể trên gồm lượng bán của 5 hãng xe máy lớn trong nước thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) là Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio.
Để giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường do khí thải động cơ như hiện nay, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 27/06/2024, trong đó có nhiều nội dung mới bao gồm việc kiểm định khí thải xe máy.
Điều 42 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định.
- Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Như vậy, mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) phải được thực hiện kiểm định khí thải theo quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới được Quốc hội thông qua. Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Việc kiểm định khí thải do đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Sau đó, giấy chứng nhận sẽ được cấp cho chủ xe máy khi hoàn tất thủ tục.
So với ô tô và xe máy chuyên dùng thì xe máy phổ thông không phải kiểm định an toàn kỹ thuật. Các thông tin về thời hạn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như hướng dẫn thực hiện chưa được ban hành trong thời gian này.
Hiện nay, việ kiểm định khí thải xe máy không phải điều mới trên thế giới. Ở Đài Loan - thị trường tiêu thụ xe máy top đầu châu Á - cũng áp dụng quy định này từ gần 30 năm trước. Cơ quan Môi trường Đài Loan quy định, xe máy sau khi được sản xuất 5 năm phải kiểm định khí thải định kỳ hàng năm.
Nếu việc kiểm định định kỳ không được thực hiện, mức phạt với chủ xe vi phạm là 15 USD. Nếu xe không vượt qua được bài kiểm tra, chủ xe ở Đài Loan phải mang đi sửa chữa và kiểm tra lại trong vòng một tháng. Nếu sau 6 tháng chủ xe vẫn không đi đăng kiểm, giấy phép sử dụng xe có thể bị hủy. Việc kiểm định có thể tiến hành miễn phí ở các đại lý xe máy thông thường, với máy đo do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Việc kiểm định khí thải đối với xe máy là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Quy định này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân.
Trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm, chủ xe, người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô
Căn cứ theo Điều 43 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ quan đăng kiểm, chủ xe, người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô phải có trách nhiệm như sau:
1.Cơ quan đăng kiểm:
Cơ sở đăng kiểm là tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được tổ chức, hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Cơ sở đăng kiểm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; từ chối kiểm định phương tiện khi chủ phương tiện chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
2. Chủ xe, người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô:
+ Chấp hành các quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng theo quy định.
+ Phải bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đưa phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.
+ Tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe tiếp tục chịu trách nhiệm của chủ xe khi chưa thực hiện thu hồi đăng ký, biển số đối với trường hợp phải thu hồi theo quy định tại khoản 7 Điều 39 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
+ Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa đăng ký, đăng kiểm phương tiện vi phạm; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được đăng ký, đăng kiểm phương tiện đó theo quy định.
+ Chấp hành các quy định khác của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.