Bất cập giá điện sinh hoạt cao hơn giá điện sản xuất của doanh nghiệp09/05/2023 - 14:22:00 Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng.
Từ 4.5, giá điện đã tăng 3% sau 4 năm kìm giữ - Ảnh: T.THOA Mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái
Sáng 9.5, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội liên quan đến giá điện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu việc Chính phủ đã tiếp tục nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp. Việc này hạn chế tối đa tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân, đồng thời bảo đảm nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện cho doanh nghiệp trong nước. Cạnh đó, bảo đảm nguồn cung xăng dầu, điện, giữ vững an ninh năng lượng, an ninh lương thực trong nước. Cũng từ 4.5, giá điện đã tăng 3% sau 4 năm kìm giữ, lên mức giá bán lẻ bình quân là 1.920,37 đồng/kWh. Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc tăng giá này của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm. Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra điểm không hợp lý trong cơ cấu giá của Bộ Công thương. Đó là giá điện sinh hoạt vẫn bù chéo cho sản xuất, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tức là giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp. Ủy ban Kinh tế cũng nhận xét chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. "Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái", Ủy ban Kinh tế đánh giá. Theo số liệu giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022 được Bộ Công thương công bố cuối tháng 3, giá sản xuất là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Tức là với mức giá bán lẻ bình quân ở thời điểm trước khi tăng giá là 1.864,44 đồng, EVN bán lỗ gần 168 đồng/kWh. Chi phí đầu vào tăng vọt, chủ yếu từ khâu phát điện tăng gần 21,5% so với 2021 do giá nhiên liệu (than, khí, dầu) leo thang. Vì vậy, tập đoàn này lỗ hơn 36.294 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện. Sau khi trừ đi thu nhập tài chính khác, số lỗ của EVN năm ngoái hơn 26.200 tỷ đồng. Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ này, sớm có giải pháp khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện. Cũng theo cơ quan của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, được thể chế hóa trong các chiến lược, cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này còn khó khăn khi điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá. Quy hoạch năng lượng, Quy hoạch điện VIII chậm ban hành. Ngoài đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề, Ủy ban Kinh tế lưu ý Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí phục vụ sản xuất và vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới. Sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu có bất cập Về vấn đề giá xăng dầu, Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu có bất cập. Theo đó việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch. Chẳng hạn, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá. Nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà quỹ bình ổn không còn thì giá trong nước sẽ cao hơn thế giới. Ủy ban này cũng dẫn ý kiến của Thanh tra Chính phủ, nhận xét quản lý quỹ bình ổn giá "còn nhiều vấn đề, gần như không quản lý được. Trong bối cảnh nghị định 95/2021 sau hơn một năm có hiệu lực bộc lộ những vướng mắc, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi để kịp thời tháo gỡ hạn chế trên thị trường xăng dầu. Theo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|