Theo kết quả khảo sát được công bố ngày 26-3, do báo Bangkok Post đăng tải, gương mặt tiềm năng nhất cho vị trí thủ tướng tương lai là một người rất nổi bật trong giới trẻ Thái Lan - ông Pita Limjaroenrat, thủ lĩnh Đảng Move Forward (tạm dịch: Tiến về trước), với 25,08%.

Xếp thứ hai là bà Paetongtarn Shinawatra của Đảng Pheu Thai (24,2%) và thứ ba là đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha của Đảng United Thai Nation với 18,24%.

Cuộc khảo sát nêu trên do Viện Quản trị phát triển quốc gia thực hiện trong tháng 3 với sự tham gia của 2.500 cử tri Bangkok.

Các đảng phái tại Thái Lan đang tích cực chạy đua cho cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 14-5. Trong ngày 25-3, Thủ tướng Prayut đã chấp thuận đề cử của đảng mình để cạnh tranh ghế thủ tướng cho nhiệm kỳ mới.

Năm nay 69 tuổi, ông Prayut lên nắm quyền từ năm 2014, sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền bà Yingluck Shinawatra. Sau cuộc bầu cử năm 2019, ông được tái bổ nhiệm thủ tướng.

Tham gia tranh cử lần này, ông Prayut cam kết chăm lo đời sống người dân, cải thiện mức độ ổn định của đất nước… Ngoài ra, phát biểu trước 1.000 người ủng hộ ở ngoại ô Bangkok ngày 25-3, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ tạo ra một môi trường chính trị mới".

Bầu cử Thái Lan tăng nhiệt - Ảnh 1.

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trong một sự kiện ngày 25-3 ở Bangkok Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Bloomberg, đảng của ông Prayut ưu tiên thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tiến trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Đảng United Thai Nation cũng hứa hẹn tiếp tục thực hiện các dự án hạ tầng chi phí cao, khởi động sớm hơn các chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân và những công ty nhỏ để đối phó tình hình giá cả gia tăng.

Thủ tướng Prayut đang đặt cược vào sự trở lại của hàng triệu du khách và các chương trình kích thích kinh tế hàng tỉ USD. Năm ngoái, Thái Lan đón nhận làn sóng đăng ký đầu tư mới, tăng tới 39%, lên 664 tỉ baht. Dù vậy, vẫn có nhiều chỉ trích do chi phí sinh hoạt tăng cao và phục hồi kinh tế không cân bằng.

Đối thủ mạnh của ông Prayut lần này nhiều khả năng là bà Paetongtarn Shinawatra của Đảng Pheu Thai.

Xuất thân từ gia tộc chính trị thành công nhất Thái Lan, người phụ nữ 36 tuổi này là con và cháu của 2 cựu thủ tướng. Hai nhân vật nói trên - lần lượt là ông Thaksin và bà Yingluck Shinawatra - hiện sống lưu vong. Tuy nhiên, do bà Paetongtarn đang mang thai tháng thứ 8 nên chưa rõ bà có đại diện Pheu Thai ra tranh cử hay không.

Được ủng hộ mạnh mẽ ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan song nhà Shinawatra lại không được lòng giới bảo thủ. Các chuyên gia nhận định đây có thể là cơ hội khôi phục quyền lực cuối cùng của gia tộc này.

 "Hoặc họ sẽ bị bít đường tới quyền lực lâu dài hoặc sẽ lấy lại được vị thế trên chính trường Thái Lan" - ông Napon Jatusripitak, chuyên gia thỉnh giảng tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore), nhìn nhận.

Giới phân tích cũng cho rằng trong cuộc bầu cử tới, Đảng Pheu Thai có thể thắng lớn - giành khoảng 310/500 ghế hạ viện, đủ sức lập liên minh thắng thế thượng viện (với 250 ghế không qua bầu cử). Ghế thủ tướng Thái Lan không được bầu trực tiếp bằng phiếu phổ thông mà được chọn bởi một phiên họp chung của lưỡng viện, theo báo Bangkok Post.

Có thể gây khó khăn cho cả Thủ tướng Prayut và đại diện Đảng Pheu Thai là ông Lita Limjaroenrat - 42 tuổi, thủ lĩnh Đảng Tiến về trước đi theo con đường cải cách. Theo báo South China Morning Post, các nhà quan sát nhận định đây có thể là "nhân tố then chốt" hậu bầu cử, nhiều khả năng nhận được sự ủng hộ lớn trong số 4 triệu cử tri Thái Lan bỏ phiếu lần đầu.

Tiền thân của đảng này là Future Forward (tạm dịch: Tương lai phía trước), từng giành khoảng 6 triệu phiếu bầu và về thứ 3 trong cuộc bầu cử năm 2019.