Đó là trường hợp của bé Nguyễn Thị M. (8 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang) vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ. Ngày 21/10, thông tin từ BS Nguyễn Lưu Giang - Trưởng Đơn vị Can thiệp DSA của bệnh viện cho biết, bệnh nhi được điều trị 1 tuần ở bệnh viện tuyến trước vì khó thở, sốt. Trước thời điểm chuyển viện bé đột ngột nói khó, liệt nửa người bên phải.
Tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ, qua các kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ ghi nhận bệnh nhi bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối động mạch não giữa trái; suy tim khá nặng chức năng co bóp của tim chỉ còn 30%, các buồng tim dãn lớn.
Các bác sĩ đã kịp thời chẩn đoán, can thiệp lấy huyết khối động mạch, cứu sống bệnh nhi |
Sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định thực hiện kỹ thuật can thiệp nội mạch dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch máu xóa nền (DSA). Sau khi lấy thành công huyết khối động mạch não giữa, tình trạng bệnh nhi nhanh chóng cải thiện. 5 ngày sau can thiệp, bé đã tự ăn uống, sức cơ tay chân đã phục hồi tốt.
Theo BS Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội Tim mạch của bệnh viện: “Nguyên nhân đột quỵ nhồi máu não của bé M. là do trẻ bị mắc bệnh cơ tim giãn nở. Một căn bệnh rất hiếm ở trẻ em, tỷ lệ mắc trong dân số chỉ khoảng 1/170.000. Trẻ mắc bệnh này sẽ có biểu hiện suy tim như mệt, ho, khó thở khi gắng sức, tim đập nhanh”.
Phân tích chuyên môn của BS Nguyễn Lưu Giang chỉ ra:“Đột quỵ trẻ em đặc biệt là đột quỵ thiếu máu não cấp rất ít gặp. Lâu nay, cộng đồng cho rằng, đột quỵ chỉ xảy ra với người lớn tuổi. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận đột quỵ có thể đến ở bất kỳ độ tuổi nào và bất kỳ ai.
Sau can thiệp lấy huyết khối thành công, sức khỏe bé M. đang bình phục tốt |
Với trường hợp của bé M. nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhi có thể tử vong hoặc để lại di chứng khiếm khuyết vận động - cảm giác, mất ngôn ngữ, thiểu năng trí tuệ, rối loạn hành vi và động kinh.
Các bác sĩ cho biết, việc điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp ở trẻ em khá phức tạp, rất ít khuyến cáo và hướng dẫn điều trị, chủ yếu dựa vào điều trị đột quỵ ở người lớn. Đây là trường hợp được can thiệp lấy huyết khối nhỏ tuổi nhất ghi nhận tại bệnh viện từ trước đến nay.