Tối nay (18/3), tại thành phố Hải Phòng diễn ra Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng nhiều lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương dự lễ.
Sau thời gian gián đoạn do đại dịch Covid-19, Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 được tổ chức, quy tụ số lượng tác phẩm tham gia cao kỷ lục, gồm 714 tác phẩm của 96 đơn vị dự thi, tranh giải ở 11 thể loại. Các tác phẩm đều bám sát dòng thời sự, được thể hiện đa dạng, phong phú trên nhiều nền tảng, phù hợp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của những người làm truyền hình đối với sự phát triển của đất nước, với nhu cầu thông tin và giải trí của công chúng.
Điểm nhấn của Liên hoan là 3 cuộc hội thảo với nhiều gợi mở và ý tưởng cho sáng tạo nội dung, thể hiện và phát triển công nghệ kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi số, gồm: Hội thảo “Sản xuất và phân phối tin tức trong thời đại số”, “Đồ hoạ truyền hình - thực tiễn và xu thế phát triển” và “Phát triển hạ tầng công nghệ kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình”.
BTV Lê Tuyết Anh, Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang chia sẻ: "Qua kỳ liên hoan lần này, tôi và cả những người đồng nghiệp thấy giống như một trải nghiệm quý báu. Thông qua hội thảo, tôi đã tích lũy thêm được những kinh nghiệm trong việc làm nghề. Trong bối cảnh hiện nay, truyền hình phải cạnh tranh với các nền tảng truyền thông rất nhiều, có thể nói Liên hoan truyền hình là cách để mà những người làm truyền hình có thể góp thêm ngọn lửa yêu nghề của mình".
Ban Tổ chức Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 41 đã vinh danh và trao 36 giải Vàng, 67 giải Bạc, 139 giải Khuyến khích dành cho các tác phẩm và 2 giải Vàng dành cho cá nhân.
Tại Lễ bế mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của đội ngũ những người làm báo hình nói riêng và các tổ chức, cơ quan báo chí trên cả nước nói chung đã đồng hành, tạo đồng thuận xã hội, cùng đất nước, nhân dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh những thành công đầy ấn tượng của kỳ Liên hoan này, những người làm báo hình không được quên, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự chuyển động nhanh của thế giới và phát triển năng động của đất nước hiện nay mang đến những cơ hội, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức. Những người làm truyền hình cần phát huy hơn nữa tinh thần đổi mới, sáng tạo, để khẳng định vị thế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và thị hiếu ngày càng cao của khán giả.
Phó Thủ tướng đề nghị, hơn bao giờ hết, những người làm báo hình Việt Nam cần ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam; mang những giá trị văn hóa tốt đẹp “chân - thiện - mỹ” của dân tộc đến với khán giả trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Một mặt, góp phần giữ gìn và bồi đắp nền văn hóa dân tộc, xây dựng con người Việt Nam mới trong kỷ nguyên số, xã hội số và văn hóa số, mặt khác thúc đẩy văn hóa, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng khẳng định: Đảng, Nhà nước sẽ luôn dành sự quan tâm đặc biệt bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; đầu tư, khơi thông các nguồn lực xã hội, tạo lập môi trường để những người làm văn hóa, nghệ thuật, truyền hình phát huy sức sáng tạo có những tác phẩm tầm cỡ, phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới vĩ đại của đất nước và phát triển truyền hình thành ngành công nghiệp hiện đại, hội nhập ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực như tinh thần của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua./.