Trong năm 2021, cả nước có 465 bệnh nhân sốt rét, giảm 67% so với năm 2020, không có ca sốt rét ác tính, không có ca sốt rét tử vong. Tại miền Nam, có 43 ca sốt rét được ghi nhận, giảm 76% so với năm 2020. Đến hết năm 2021 cả nước đã có 36 tỉnh thành được công nhận loại trừ bệnh sốt rét. Theo kế hoạch, Việt Nam đang phấn đấu để đạt loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Tại TPHCM, bệnh sốt rét đã được công nhận loại trừ từ năm 2020. Tuy nhiên, ngày 4/6 thông tin về 2 trường hợp mắc sốt rét ác tính được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM ngay lập tức khiến nhiều người lo ngại. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người băn khoăn về nguy cơ bệnh có thể lây lan tại TPHCM.
TPHCM đã được công nhận loại trừ bệnh sốt rét từ năm 2020 nhưng vẫn phải cảnh giác trước nguy cơ bệnh quay trở lại |
Trước tình hình trên, trao đổi với báo chí, BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết: “Nhiều năm qua, thành phố không ghi nhận bệnh nhân sinh sống trên địa bàn mắc sốt rét, thành phố không còn là vùng lưu hành của sốt rét. Một số trường hợp được ghi nhận đều là người về từ vùng dịch ở các tỉnh thành khác hoặc từ các quốc gia đang có dịch lưu hành”.
Hiện thành phố vẫn tiến hành giám sát muỗi anopheles, giám sát các trường hợp mắc bệnh khi phát hiện tại các bệnh viện để ghi nhận yếu tố dịch tễ. Kết quả giám sát côn trùng cho thấy không phát hiện muỗi truyền bệnh sốt rét (muỗi đòn xóc) tại thành phố. Do đó, nguy cơ lây lan bệnh sốt rét tại thành phố là rất thấp.
Hiện nay, thành phố đang trong giai đoạn “phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ”. Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết – đang là bệnh truyền nhiễm lưu hành tại thành phố cũng như phòng các bệnh do muỗi truyền khác trong đó có sốt rét.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, loài muỗi truyền bệnh sốt rét là Anopheles hay còn được gọi là muỗi đòn xóc. Có thể phân biệt muỗi sốt rét với các muỗi khác ở tư thế đậu. Hình thể muỗi truyền bệnh sốt rét khi đậu giống như một cây đòn nên còn có tên là muỗi đòn xóc.