Cách đây hơn một năm, hoạt động khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu thuốc và vật tư y tế. Sau hàng loạt giải pháp, quyết sách của Chính phủ và các Bộ ngành, các bệnh viện phần nào được tháo gỡ những nút thắt trong đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư y tế. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này chưa được giải quyết một cách rốt ráo, triệt để. Nhiều bệnh viện hiện vẫn đang hoạt động cầm chừng do thiếu thuốc và vật tư y tế. Tình trạng người bệnh phải tự ra ngoài mua thuốc, kim tiêm, dây truyền dịch vẫn tái diễn.
Bệnh nhân ung thư thêm khốn khổ vì phải tự mua thuốc, bông băng, kim truyền
Vừa lúi húi kiểm tra lại “đồ dùng, tư trang” chuẩn bị cho buổi truyền hóa chất tiếp theo, ông Trần Văn Nam 56 tuổi ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa vừa giải thích, do Bệnh viện K đang hết các loại kim truyền, dây truyền dịch và băng gạc nên ông phải ra ngoài để mua.
Ông Nam bị u vòm họng phải truyền 6 đợt hóa chất để khối u giảm kích thước, sau đó sẽ tiến hành xạ trị. Gia đình làm nông nghiệp, chút tiền tích góp ông đã tiêu hết sau 1 tháng điều trị, hiện tại phải vay mượn khắp nơi. Ngoài chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán, bản thân ông còn phải chi trả rất nhiều khoản khác như tiền nhà trọ, xe cộ đi lại, tiền ăn rồi mua thêm các loại thuốc bổ. Điều ông Nam lo nhất bây giờ là không có đủ tiền để tiếp tục điều trị bởi quá trình chữa bệnh của ông còn dài và tốn kém.
Cũng phải đi mua dây truyền và bông băng, gạc ngoài cổng viện, anh Duy Thành ở Hải Phòng chia sẻ, bố anh mới phát hiện mắc ung thư đại tràng phải phẫu thuật. Mặc dù bố anh được BHYT chi trả 100%, thế nhưng mới vào viện điều trị 2 ngày, gia đình anh đã phải mua thuốc và vật tư y tế hết khoảng 20 triệu đồng, chưa kể chi phí ăn ở. Để phục vụ cho cuộc phẫu thuật sắp tới, gia đình anh phải bỏ tiền mua một số vật dụng như bông, băng, gạc, dây truyền và một số vật tư y tế khác. Vừa lo lắng cho bệnh tình của bố, anh Thành vừa lo tìm mua cho đúng và đủ các loại vật tư y tế theo đơn bác sỹ kê. Anh cho biết, anh phải chạy đến 2-3 nhà thuốc mới gom đủ số lượng và chủng loại theo yêu cầu.
Bệnh nhân chạy ngược xuôi vì thiếu thuốc
Tương tự Bệnh viện K, tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh khác, tình trạng thiếu thuốc vẫn đang diễn ra khiến người bệnh vốn đã khổ vì bệnh tật nay lại thêm vất vả, lo âu vì thiếu thuốc.
Cách đây hơn 1 tuần, ông Nguyễn Thanh Tùng ở Ninh Bình được chuyển Viện Tim mạch – BV Bạch Mai trong tình trạng cấp cứu do bệnh lý suy tim, nhồi máu cơ tim, tắc động mạch vành. Anh Nguyễn Thanh Sơn con trai ông Tùng cho biết, các bác sĩ, điều dưỡng hết sức tận tâm điều trị cho bố anh, song điều khiến anh băn khoăn là có những loại thuốc gia đình vẫn phải ra ngoài mua, mặc dù có bảo hiểm y tế.
Tháng trước, khi đưa mẹ quay trở lại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu BV Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Hương cũng phải chạy đôn chạy đáo để mua một loại dịch truyền do bệnh viện thiếu thuốc. Mặc dù số tiền phải bỏ ra không nhiều, song để mua được mấy chai dịch truyền, chị Hương phải hỏi đến 3 nhà thuốc mới có. Hơn nữa, khi đi mua, chị cứ thấp thỏm vì không biết có đúng chủng loại mà bác sĩ yêu cầu hay không. “Mua xong rồi, tôi phải chạy về ngay hỏi bác sĩ có đúng loại đấy hay không vì có rất nhiều loại thuốc, chỉ sợ mua nhầm” – Chị Hương cho biết.
May mắn, ở lần nhập viện mới đây, chị Hương không còn phải chạy ra ngoài mua thuốc, khiến chị đỡ vất vả hơn.
Cũng do tình trạng thiếu thuốc mà bệnh nhân Nguyễn Văn C - ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình phải từ bệnh viện huyện về bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình rồi lại về Hà Nội trong tình trạng cấp cứu do nhồi máu não. Tính từ thời gian được phát hiện đến khi tới BV Bạch Mai, anh C. đã mất khoảng 6 tiếng đồng hồ.
“Giá mà bệnh viện tỉnh có thuốc uống thì xử lý ngay trên đó thì trong phạm vi giờ vàng vẫn tốt hơn.” - Ông T – bố của bệnh nhân xót xa. Qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, ông T. cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, vì sao vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế đã được bàn thảo rất nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để.
Còn tại Bệnh viện Mắt Trung ương, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng thiếu vật tư y tế đã được giải quyết cơ bản. Đa số bệnh nhân không còn phải ra ngoài mua thuốc, vật tư y tế và đã được mổ thay thủy tinh thể ngay tại bệnh viện. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhân bị tắc tuyến lệ, phải đặt ống thông, được chỉ định thực hiện từ cuối năm ngoái song do bệnh viện hết loại vật tư này nên qua 3-4 lần hẹn, cho đến nay vẫn không được điều trị.
Thiếu thuốc, vật tư y tế đang là tình trạng chung của nhiều bệnh viện công lập khiến bệnh nhân chịu thiệt thòi trong chi trả bảo hiểm y tế, bị hạn chế trong việc lựa chọn nơi phẫu thuật, điều trị. Nhiều bệnh nhân đã phải chấp nhận chi trả chi phí khám chữa bệnh cao gấp nhiều lần tại các bệnh viện tư nhân vì không thể chờ đợi đến khi bệnh viện công đủ thuốc men, vật tư y tế. Không chỉ gây tốn kém, phiền hà, niềm tin của bệnh nhân đối với cơ sở y tế công lập cũng vì thế mà bị xói mòn.
Vì sao các bệnh viện vẫn gặp khó trong mua sắm y tế?
Luật Ðấu thầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và Nghị định số 24/2024/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ðấu thầu về lựa chọn nhà thầu có hiệu lực từ ngày 27/2/2024 được cho là đã có nhiều điểm mới, giúp tháo gỡ nút thắt trong mua sắm y tế. Nhưng các bệnh viện vẫn gặp nhiều vướng mắc và lúng túng khi thực hiện.
Đại diện một số bệnh viện cho biết, nguyên nhân là do thiếu thông tư hướng dẫn cụ thể về đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Thông tin với PV Đài TNVN bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh cho biết “hiện nay chưa có sự phân nhóm các loại thuốc vật tư, trang thiết bị một cách cụ thể, đâu là những hạng mục dành cho các cơ sở y tế được phép chủ động đấu thầu mua sắm, đâu là những mặt hàng thuộc diện đấu thầu tập trung cấp tỉnh, cấp trung ương.... nếu chưa có thông tư hướng dẫn, thì các bệnh viện chưa thể mua sắm được”.
Hiện Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đang khẩn trương hoàn thiện các thông tư hướng dẫn về quy trình, danh mục đàm phán giá, mua sắm tập trung và một thông tư riêng về đấu thầu thuốc. Song tới đây, kể cả khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ hơn, nếu các bệnh viện có thể mua sắm thì cũng phải vài tháng sau mới khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Bởi quy trình lập hồ sơ, mời thầu, thẩm định, tiến hành đấu thầu cũng tốn nhiều thời gian, chưa kể việc mua sắm có thể thất bại vì không có nhà thầu tham gia.
Trong khi đó, hàng ngày, hàng giờ, người bệnh đang mất đi quyền được khám chữa bệnh, phải chờ đợi và phải bỏ tiền túi nhiều hơn cho việc điều trị. Thực trạng này đã kéo dài hàng năm nay nhưng không ai chịu trách nhiệm, chỉ có người dân chịu thiệt thòi vì quyền lợi không được đảm bảo đầy đủ.