Cơn ác mộng Covid-19 đang quay trở lại
Một năm rưỡi trôi qua kể từ khi Covid-19 bùng phát, như một vòng lặp ma quái, đại dịch này lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều nước trên thế giới khi số ca mắc không ngừng tăng lên, chủ yếu do các biến thể mới gây ra, đặc biệt là biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ. Từ châu Phi tới châu Á, các quốc gia đang ghi nhận số ca mắc và số ca tử vong cao kỷ lục, thậm chí ở cả những nước giàu có tỷ lệ tiêm vaccine cao đang dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và dần quay lại cuộc sống bình thường.
Các nhà khoa học tin rằng, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao gấp 2 lần chủng virus ban đầu và sự lây nhiễm của nó ở cả những người đã được tiêm vaccine một phần đã khiến các nhà chức trách y tế công cộng phải dấy lên hồi chuông cảnh báo. Những người chưa được tiêm vaccine, có thể trở thành "nơi trú ngụ" cho những biến thể mới tiếp tục tiến hóa để trở nên nguy hiểm hơn.
"Chúng ta đang ở trong một cuộc đua nhằm chống lại sự lan rộng của các biến thể virus SARS-CoV-2", giáo sư Kim Woo-joo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Viện Guro, Đại học Korea ở Seoul cho hay.
Những cuộc thảo luận chính trị từ Malaysia cho tới Seychelles về việc liệu có cần áp dụng lệnh phong tỏa và quy định đeo khẩu trang hay không lại một nữa "nóng" trở lại ở cả những quốc gia có nguồn lực dồi dào và nhiều vaccine.
Ngày 28/6, các quan chức y tế tại Hạt Los Angeles, nơi biến thể Delta đang lan rộng, đã hối thúc người dân, thậm chí cả những người đã được tiêm vaccine, đeo khẩu trang khi ở trong nhà. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng việc đeo khẩu trang là không cần thiết tại những khu vực mà virus không lan rộng.
Hầu hết các loại vaccine hiện nay đều có hiệu quả trong việc chống lại biến thể Delta và các nghiên cứu sơ bộ cũng chỉ rõ, ngay cả khi mắc bệnh thì những người sau khi được tiêm vaccine có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ hoặc tiền triệu chứng. Tuy nhiên, thậm chí ở những nước giàu nhất, ngoại trừ một số quốc gia có dân số nhỏ, chưa tới một nửa dân số được tiêm vaccine đầy đủ. Các chuyên gia cho biết các biến thể mới đang lây lan nên việc tăng tỷ lệ tiêm vaccine và tiếp tục các biện pháp phòng ngừa là cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh.
"Các quốc gia phát triển tận dụng các nguồn lực sẵn có và họ muốn bảo vệ người dân của mình trước. Điều này là tự nhiên nhưng nếu chúng ta nhìn nhận từ góc độ con người, mọi sự sống đều có giá trị như nhau", Dono Widiatmoko, giảng viên cấp cao về y tế và chăm sóc xã hội tại Đại học Derby và là một thành viên của Hiệp hội Y tế Công cộng Indonesia cho hay.
Như các nhà chức trách y tế công cộng thường nhận định, tình hình đại dịch cho thấy chừng nào vẫn còn một khu vực bị ảnh hưởng thì chừng đó không có nơi nào trên thế giới an toàn.
Thế giới bị siết chặt trong “vòng kim cô” Covid-19
Khi biến thể Delta càn quét qua Ấn Độ vào mùa xuân này, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 200.000 người ở đây tử vong - mặc dù con số chính thức này vẫn được cho là còn quá thấp. Cho tới nay, biến thể Delta đã được phát hiện ở ít nhất 85 quốc gia, vùng lãnh thổ và là chủng virus chiếm phần lớn số ca mắc ở châu Âu, châu Á và châu Phi.
Mức độ lây nhiễm dữ dội của biến thể này đã được thể hiện rõ ở Indonesia - quốc gia có dân số đông thứ tư thế giới.
Vào tháng 5/2021, số ca lây nhiễm tại Indonesia ở mức thấp nhất kể từ khi dịch bệnh xảy ra vào năm ngoái. Tuy nhiên, tới cuối tháng 6/2021, Indonesia chứng kiến số ca mắc kỷ lục khi biến thể Delta lây lan ở quốc gia này sau một kỳ nghỉ tôn giáo. Ngày 29/6, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế cảnh báo Indonesia "đang trên bờ vực của một thảm họa".
Tuần trước, các nhà chức trách Hong Kong (Trung Quốc) đã dừng các chuyến bay chở khách từ Indonesia và họ cũng có động thái tương tự với việc đi lại từ Anh, bắt đầu từ ngày 1/7.
Tháng 5/2021, Bồ Đào Nha nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp du lịch khi sẵn sàng đón các du khách từ Anh, bất chấp những báo cáo ghi nhận sự lây lan của biến thể Delta tại đây. Chỉ trong một vài tuần, chính phủ Anh đã ban hành quy định cách ly với những du khách từ Bồ Đào Nha, trong đó có cả những người Anh vừa từ kỳ nghỉ về.
Với sự gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta, thủ đô Lisbon đã quyết định phong tỏa vào cuối tuần trong khi Đức gọi Bồ Đào Nha là "khu vực của biến thể virus". Hiện Bồ Đào Nha không có kế hoạch đón thêm du khách và yêu cầu những du khách Anh chưa được tiêm vaccine phải cách ly.
Các quản lý khách sạn ở Bồ Đào Nha tỏ rõ sự chán nản. Isabel Pereira, chủ một nhà trọ cho biết một nửa đơn đặt phòng trước đã bị hủy bỏ và bà hiểu nỗi lo của các du khách.
"Tôi thậm chí không thể nói chắc chắn với họ điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai chứ chưa nói tới tuần sau".
Với những người khác, quá khứ đang lặp lại với một vận tốc lớn hơn. Tại Bangladesh, các nhà khoa học phát hiện ra rằng gần 70% mẫu virus SARS-CoV-2 từ thủ đô Dhaka từ ngày 25/5 - 7/6 là biến thể Delta. Ngày 30/6, Bangladesh ghi nhận số ca mắc trong ngày cao kỷ lục. Con số này dự kiến sẽ còn cao hơn khi những người lao động di cư quay trở về làng quê trước khi lệnh phong tỏa trên toàn quốc ngày 1/7 có hiệu lực.
Lệnh phong tỏa toàn quốc khiến tất cả các phương tiện công cộng đều ngừng hoạt động và mọi cửa hàng đều đóng cửa trong ít nhất 1 tuần. Tuy nhiên, với nền kinh tế Bangladesh chủ yếu dựa vào xuất khẩu và bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch, chính phủ đã không áp dụng các biện pháp này với các nhà máy may mặc.
Bất chấp những hứa hẹn từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế, lượng vaccine được vận chuyển tới Bangladesh vẫn không đáng là bao. Chỉ 3% dân số nước này được tiêm vaccine đầy đủ.
"Chúng tôi đang phải cân bằng giữa cuộc sống và kiếm sống", Mohammed Nasir, cựu phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu và Sản xuất may mặc Bangladesh cho hay./.