Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) yêu cầu các các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, xử lý nghiêm và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về tên, địa chỉ các cơ sở kinh doanh thiết bị điện trục lợi gây ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.
Đây là một trong những nội dung quan trọng của công văn số 1164/TCQLTT-CNV do Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Thanh Bình ký ban hành ngày 08/6/2023 gửi Cục Quản lý Thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường kiểm tra các quy định pháp luật đối với mặt hàng thiết bị điện trước nhu cầu của người dân tăng cao đối với mặt hàng này.
Cụ thể, theo công văn, thời gian gần đây, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước dẫn đến nhu cầu của người dân sử dụng các thiết bị điện tăng cao.
Chẳng hạn như máy phát điện, các loại quạt tích điện, thiết bị làm mát tiết kiệm điện… do nguồn cung hạn chế, từ đó một số tổ chức, cá nhân lợi dụng để trục lợi bất chính, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm trong kinh doanh mặt hàng trên và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường nắm bắt địa bàn.
Cùng đó, các tỉnh, thành phố chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) đối với các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như mát phát điện, các loại quạt tích điện, thiết bị làm mát tiết kiệm điện.
Trong quá trình kiểm tra, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các đơn vị cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các tổ chức, cá nhân các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa.
Lãnh đạo Tổng cục cũng yêu cầu Cục Quản lý Thị trường các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo về Tổng cục Quản lý Thị trường để nắm bắt kịp thời tình hình.
Thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm tình trạng cắt điện tại một số khu vực ở Hà Nội khiến các mặt hàng quạt tích điện trên thị trường trở nên khan hiếm.
Ghi nhận tại một số siêu thị điện máy lớn như MediaMart, Điện máy Xanh, Nguyễn Kim... vào thời điểm đầu tháng Sáu, hầu hết người mua sẽ nhận được câu trả lời là "không có sẵn sản phẩm tại cửa hàng" mà phải tham khảo các mẫu thiết bị trên nền tảng mua sắm trực tuyến. Sau khi đặt hàng sản phẩm quạt tích điện, thời gian giao hàng sẽ thường kéo dài từ 5-10 ngày.
Tại một số cửa hàng bán thiết bị điện tử, điện lạnh trên địa bàn thành phố, lượng khách đến mua các sản phẩm như điều hòa, quạt tích điện, quạt hơi nước tăng gấp ba lần so với trước đợt cao điểm nắng nóng.
Để chuẩn bị cho đợt nóng cao điểm, các đơn vị kinh doanh đã nhập hàng quạt tích điện với số lượng lớn. Tuy nhiên theo các chủ cửa hàng, đây đang là mặt hàng "nhập bao nhiêu bán hết bấy nhiêu" do người dân không nắm được lịch cắt điện và muốn chuẩn bị quạt mát trong mọi trường hợp mất điện.
Theo khảo sát, hiện nay hầu hết các sản phẩm quạt tích điện không có nhiều mẫu mã vì có ít hãng sản xuất, đa phần là sản phẩm được sản xuất, lắp ráp tại Trung Quốc và mang thương hiệu của Việt Nam như Kangaroo, Sunhouse.
Mức giá của các dòng quạt tích điện dao động từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng/chiếc, tùy theo thời gian làm mát, mức độ gió và thời gian sạc điện.
Liên quan tình hình cung ứng điện trong các tháng cao điểm mùa khô, cũng như việc cắt điện luân phiên ở nhiều địa phương, tại buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/6, tại Hà Nội, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết diễn biến nắng nóng khiến tiêu thụ điện tăng vọt, trong khi tình trạng nước về các hồ thủy điện rất thấp đã tác động đến việc cung ứng điện thời gian vừa qua, đặc biệt tại miền Bắc, việc cung ứng điện gặp khó khăn hơn khi thủy điện chiếm tỷ trọng lớn.
Dẫn chứng thực tế, ông Hòa cho hay, tính đến ngày 6/6, hầu hết các hồ thủy điện về mực nước chết (Sơn La và Lai Châu, Thác Bà…), riêng thủy điện Lai Châu, Sơn La xuống dưới mực nước chết, còn thủy điện Hòa Bình còn nước nhưng chỉ đủ phát điện đến ngày 12/6-13/6.
“Như vậy tính đến ngày 6/6, tổng công suất không huy động được từ các nguồn thủy điện miền Bắc nêu trên từ 5.000 MW có thể lên đến 7.000 MW khi nhiều hồ thủy điện về mực nước chết, còn công suất khả dụng là 3.010 MW (đạt 23,7%),” ông Trần Việt Hòa thông tin.
Về nguồn nhiệt điện, mặc dù cung ứng than được đảm bảo, song do nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy chạy công suất tối đa trong một thời gian dài dẫn đến sự cố về thiết bị, cộng với việc nhiều tổ máy gặp sự cố dài ngày như Vũng Áng 1, Phả Lại, Cẩm Phả, Nghi Sơn… nên mặc dù nguồn than phát điện được cung ứng đảm bảo song nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934 MW.
Mặt khác, khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV luôn ở mức giới hạn cao, dẫn tới tiềm ẩn sự cố. Theo ông Hòa, tổng công suất khả dụng hệ thống điện miền Bắc bao gồm cả điện nhập khẩu có thể huy động để đáp ứng phụ tải điện chỉ đạt 17.500-17.900 MW chiếm 59,2% công suất lắp đặt.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng dụng điện tại miền Bắc có thể lên tới 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới, như vậy hệ thống điện miền Bắc thiếu khoảng hơn 4.300 MW, với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu kWh, ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh.
Trước tình hình như vậy, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực thông tin giải pháp trước mắt đang triển khai của cơ quan chức năng là tập trung vào các giải pháp kỹ thuật truyền thống để duy trì sẵn sàng các nhà máy, tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể, vận hành hệ thống điện hợp lý…).
Cùng với đó, chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt nhằm ứng phó với khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh việc đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin thêm, từ giữa tháng 4 đến nay, EVN gặp phải khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, thời gian qua Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có nhiều nỗ lực đảm bảo cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than của EVN và các đơn vị khác, trong khi Tập đoàn Dầu khí (PVN) cũng tăng sản lượng cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khí tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, giúp tăng thêm sản lượng của các nhà máy điện khí.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương, EVN đã phối hợp với các tỉnh, thành, đến nay hầu hết 63 tỉnh thành đã có triển khai chỉ đạo tiết kiệm điện, Phía EVN đã phối hợp thông qua Tổng Công ty điện lực miền Bắc, Tổng Công ty điện lực Hà Nội và các Tổng công ty điện lực địa phương, đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương trong vấn đề tiết giảm sao cho phù hợp nhất với tình hình từng địa phương.
Ông Nhân cho biết việc cấp điện khu vực phía Bắc vẫn còn khó khăn, do vậy từ này đến khi có nước về, EVN sẽ cố gắng đảm bảo tốt nhất duy trì hệ thống điện quốc gia vận hành an toàn.
“Khi nắng nóng và tiêu thụ điện tăng cao, một số thời điểm phải tiết giảm điện nên EVN mong khách hàng, doanh nghiệp, người dân chia sẻ và thông cảm với ngành điện,” ông Trần Đình Nhân bày tỏ./.