Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Lý giải về việc điểm chuẩn một số ngành, một số khối trường tăng, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT có 3 nguyên nhân chính như sau: Thứ nhất, số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT tăng 11% (từ 900.000 lên 1.020.000 thí sinh). Số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng gần 24%. Có thể do thí sinh không đi du học; có thể do xu hướng chọn ngành nghề đại học nhiều lên; số thí sinh đăng ký dự thi tăng lên là 152.000 thí sinh so với năm ngoái. Trong khi đó, điểm chuẩn của các trường top trên có tăng nhưng không nhiều, tổng số chỉ tiêu không tăng. Số thí sinh sau khi chọn trường top trên không đạt đã tập trung xuống những trường, ngành top giữa. Đây là lý do quan trọng nhất về tăng điểm chuẩn. Do đó, hiện tượng điểm chuẩn tăng là bình thường. 

Thứ hai, tâm lý thí sinh lựa chọn ngành nghề trong điều kiện nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo thống kê, số ngành tăng từ 5 điểm trở lên là 265; Riêng khối Kỹ thuật-Công nghệ là 70; Sư phạm là 64 chiếm tới 50%, sau đó tới khối Kinh doanh & Quản lý và khoa học xã hội nhân văn. Xu hướng chọn các ngành Kỹ thuật công nghệ và giáo viên là tín hiệu đáng mừng cho cả hệ thống. 

Thứ ba, trong khi phân tích phổ điểm thi, một số môn như tiếng Anh có kết quả cải thiện so với năm 2020. Điều này góp phần tăng điểm chuẩn như năm nay. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, có thể điểm thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá được năng lực chuyên biệt của thí sinh đối với yêu cầu từng ngành, từng trường khác nhau nhưng cũng có độ phân hóa tương đối tốt. Việc các trường tốp trên có điểm cao và có sự phân hóa rõ nét giữa các trường, các ngành.

“Với tính chất kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong 1 năm rất đặc biệt, các em có thể dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển vào đại học để không phải vất vả đi dự thi nhiều lần - đó là thành công lớn của kỳ thi này mà chúng ta cần nhìn nhận”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Đề cập về xu hướng tuyển sinh sắp tới, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Các trường được tự chủ trong phương thức tuyển sinh. Trước khi các trường quyết định phương thức rất cần phải phân tích các dữ liệu cụ thể. Không chỉ nên nhìn vào hiện tượng cá biệt nào đó để ra quyết định. Khi phân tích dữ liệu, con số nói lên rất nhiều và với Bộ GD&ĐT còn rất hữu ích cho việc xây dựng chính sách. Vì vậy, Bộ GD&ĐT khuyên các trường nên phân tích dữ liệu thật kỹ, điểm đầu vào, quá trình học thế nào, để từ đó thấy được phương thức nào sẽ phù hợp với trường mình".

Thứ trưởng cho biết thêm, Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường hợp tác liên kết để xây dựng phương án xét tuyển bổ sung vào phương thức xét tuyển kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có việc xây dựng các kỳ thi đánh giá năng lực, bài kiểm tra tư duy để thí sinh chỉ cần dự thi ít lần, tránh vất vả cho thí sinh./.

 
Mỹ Anh