Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, triển khai Đề án 06 và Chỉ thị về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, tập trung công tác hoàn thiện thể chế về hệ thống thanh toán quốc gia, chính sách đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật...
Chỉ thị 18 đã chỉ đạo nhiều nội dung cụ thể đã giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Đề án 06. Chỉ thị này vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa tăng ngân sách Nhà nước đã chỉnh sửa, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển tiện ích thanh toán điện tử.
Đối với nhiệm vụ này, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, trình Quốc hội Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi vào tháng 1-2024 và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52 về thanh toán không dùng tiền mặt. NHNN đã ban hành chiến lược thúc đẩy hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2030.
Hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát để ban hành những quy định mới theo thông tư hướng dẫn theo những quy định mới của Luật sửa đổi và theo Nghị định 52, đồng thời đảm bảo tương thích theo những quy định khác của pháp luật.
Song song với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo thông suốt, an toàn.
Đến nay, hệ thống thanh toán liên ngân hàng đã xử lý bình quân hơn 830.000 tỷ đồng/ngày. Hệ thống thanh toán bán lẻ xử lý bình quân từ 20-25 triệu giao dịch/ngày. Con số rất lớn để đảm bảo thanh toán cho doanh nghiệp và người dân. Các dịch vụ thanh toán mới rất an toàn, thiết thực, tiện lợi cho người dân như thanh toán qua QR Code.
Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh internet và mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%. Tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.
Hiện đã có hơn 87,08% người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân và hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang hoạt động.
"Tất cả những hình thức này đã giúp cho chúng ta chuyển đổi số. Nhiệm vụ tiếp theo mà NHNN được giao là thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý thuế", Thống đốc cho biết.
Cụ thể về nội dung này, Thống đốc chia sẻ, với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đầu tháng 11-2023 NHNN đã làm việc với cơ quan thuế, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng và trung gian thanh toán kết nối cung cấp thông tin với các cơ quan thuế. Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cung cấp cho Bộ Tài chính hơn 130 triệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế.
NHNN cũng đã đề nghị Bộ Tài chính thống nhất giao Tổng cục Thuế là đơn vị đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin tài khoản thanh toán của người nộp thuế từ các TCTD để cho phép các cơ quan quản lý thuế khác khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế.
Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc, trong quá trình triển khai Đề án 06 và Chỉ thị 18 phát sinh một số vướng mắc là thông tin, dữ liệu về tài khoản thanh toán của người nộp thuế là các thông tin nhạy cảm, đòi hỏi việc xử lý, tổng hợp cẩn thận, đáp ứng quy định về bảo vệ bí mật thông tin khách hàng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
"Chính vì vậy, thời gian tới, NHNN đề nghị các TCTD ưu tiên các quy định của pháp luật và cũng đề nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn chuẩn hoá về dữ liệu, quy định về phương thức kết nối, chia sẻ thông tin của các tổ chức tín dụng cung cấp để đảm bảo đáp ứng việc kết nối để chống thất thu thuế nhưng vẫn bảo vệ được dữ liệu cá nhân", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.