Sau 10 năm thực hiện, trên cơ sở tổng kết Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 và Công văn số 5498/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam trong giai đoạn tới, Bộ VHTTDL được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, dự thảo Chiến lược cần đề xuất được các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển thể thao. Trong đó, thể thao quần chúng là yếu tố đầu tiên. Từ việc phát triển thể thao quần chúng để lựa chọn được những VĐV có tiềm năng nhằm bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao cho thể thao thành tích cao.
Bổ trợ cho hai yếu tố trên là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ HLV, VĐV và các thành tố khác có tính chất bổ trợ như hội nhập, hợp tác quốc tế về TDTT, thi đấu quốc tế, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ…
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt cho biết, Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu của giai đoạn vừa qua. Trong quá trình được Bộ VHTTDL giao soạn thảo đề án, Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) đã nhiều lần hoàn thiện, báo cáo và gửi xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực TDTT và tổ chức Hội thảo góp ý về Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh, Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy những mặt tích cực, đưa ra định hướng, mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp phát triển phù hợp trong giai đoạn tới.
Trong quá trình rà soát, để đảm bảo tính liên thông giữa văn bản chỉ đạo của Đảng và Chiến lược phát triển Thể dục, thể thao do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 5110/VPCP-KGVX về việc hoàn thiện Chiến lược; ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về việc nghiên cứu, tiếp thu kết quả Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030 và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị tại cuộc họp cho ý kiến về Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Cục TDTT đã rút gọn nội dung dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược, nội dung bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác thể dục thể thao.
Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tập trung nêu các quan điểm phát triển ngành, đề cập đến những mục tiêu lớn, đồng thời điều chỉnh, sắp xếp lại phần nhiệm vụ và giải pháp theo các lĩnh vực: Phát triển phong trào TDTT cho mọi người; Phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; Mở rộng hợp tác quốc tế về TDTT; Đổi mới nhận thức, tăng cường hoạt động truyền thông về TDTT; Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về TDTT; Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, y học trong lĩnh vực TDTT; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực phát triển sự nghiệp TDTT; Phát triển kinh tế thể thao và Tăng cường chuyển đổi số, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý trong lĩnh vực TDTT.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, Cục TDTT đã điều chỉnh một số nội dung tại phần mục tiêu và nhiệm vụ phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
"Việc xây dựng Chiến lược cũng phải phù hợp các yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và phù hợp với xu thế phát triển thể dục thể thao thế giới. Đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển của cả nước; Có sự gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trong phát triển; Đánh giá một cách khoa học, đầy đủ và chính xác về thực trạng hoạt động thể dục thể thao và tình hình thực hiện Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 để làm cơ sở thực tiễn xây dựng Chiến lược trong giai đoạn tiếp theo. Chiến lược phải cụ thể hóa quan điểm, đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển thể dục thể thao thành những nhiệm vụ, phương án phát triển có định hướng, lộ trình, giải pháp khả thi nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo các hoạt động thể dục thể thao của đất nước” - Cục trưởng Đặng Hà Việt nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, về cơ bản, nội dung của Chiến lược đã rà soát, rút gọn theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như góp ý của Vụ Khoa giáo - Văn xã. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Cục TDTT khẩn trương hoàn thiện Chiến lược báo cáo Bộ trưởng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: "Chiến lược cần đề xuất được các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển thể thao, bắt đầu từ thể thao quần chúng. Từ đó bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao thể thao thành tích cao cùng với đó là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ HLV, VĐV và các thành tố khác có tính chất bổ trợ như hợp tác quốc tế về thể dục thể thao, học tập kinh nghiệm trong bối cảnh hội nhập, thi đấu quốc tế, chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ…”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, Cục TDTT và các đơn vị liên quan rà soát thật kỹ để đảm bảo tính thống nhất, đảm bảo bảo căn cứ, tránh chồng chéo; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.