Bốn cơ quan báo chí lớn bị cáo buộc biết trước vụ Hamas tấn công Israel10/11/2023 - 15:21:00 Sau khi bị cáo buộc biết trước vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10, bốn cơ quan báo chí lớn của Anh và Mỹ đã phủ nhận mạnh mẽ.
Theo kênh CNN, ngày 9/11, hãng tin Associated Press (AP), báo The New York Times, kênh truyền hình CNN của Mỹ và hãng tin Reuters của Anh đã nhanh chóng phản đối báo cáo đưa ra ngày 8/11 của HonestReporting - một cơ quan giám sát truyền thông ủng hộ chính phủ Israel. Theo báo cáo này, các phóng viên ảnh của các cơ quan báo chí nói trên đã có mặt trong cuộc tấn công đầu tiên của Hamas. Bằng chứng mà HonestReporting đưa ra là các ảnh chụp màn hình được đăng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, AP và CNN cho biết họ đã không còn mối quan hệ với phóng viên ảnh tự do Hassan Eslaiah sau khi báo cáo xác định anh này đã có mặt cùng các tay súng Hamas trong cuộc tấn công nhằm vào Israel. Bà Lauren Easton, Giám đốc quan hệ truyền thông của AP, cho biết trong một tuyên bố: “AP không hề biết gì về vụ tấn công ngày 7/10 trước khi sự việc xảy ra. Những bức ảnh đầu tiên mà AP nhận được từ các phóng viên tự do cho thấy ảnh được chụp hơn một giờ sau khi cuộc tấn công bắt đầu. Không có nhân viên AP nào ở biên giới vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, cũng như không có nhân viên AP nào vượt qua biên giới vào bất kỳ thời điểm nào”. Bà Easton nói thêm: “Chúng tôi không còn làm việc với Hassan Eslaiah, người thỉnh thoảng làm cộng tác viên của AP và các tổ chức tin tức quốc tế khác ở Gaza”. Trong một tuyên bố, kênh CNN cho biết phóng viên Eslaiah không làm việc cho mạng truyền hình này vào ngày xảy ra vụ tấn công. Người phát ngôn của CNN nói: “Chúng tôi không hề biết trước về vụ tấn công ngày 7/10. Hassan Eslaiah, một nhà báo tự do làm việc cho chúng tôi và nhiều cơ quan khác, đã không làm việc cho CNN vào ngày 7/10. Tính tới hôm nay, chúng tôi đã cắt đứt mọi quan hệ với nhà báo này”. Reuters cũng bác bỏ ý kiến cho rằng bằng cách nào đó hãng tin này đã biết về kế hoạch tấn công Israel của Hamas. Một phát ngôn viên của Reuters khẳng định: “Reuters dứt khoát phủ nhận đã biết trước về vụ tấn công và phủ nhận rằng chúng tôi đưa các nhà báo đi cùng Hamas vào ngày 7/10. Những bức ảnh do Reuters công bố được chụp hai giờ sau khi Hamas bắn tên lửa khắp miền Nam Israel và hơn 45 phút sau khi Israel cho biết các tay súng đã vượt qua biên giới”. Người phát ngôn cho biết thêm: “Các nhà báo là nhân viên của Reuters đã không có mặt tại các địa điểm được đề cập trong báo cáo của HonestReporting”. New York Times cũng đưa ra tuyên bố về những cáo buộc nhằm vào một phóng viên ảnh tự do khác là Yousef Massoud - người đã được đề cập trong báo cáo của HonestReporting. Tờ báo này khẳng định: “Mặc dù Yousef không làm việc cho The New York Times vào ngày xảy ra vụ tấn công nhưng đã từng làm các công việc quan trọng cho chúng tôi. Không có bằng chứng nào cho những lời cáo buộc của HonestReporting. Đánh giá của chúng tôi về tác phẩm của phóng viên ảnh này cho thấy anh ấy đang làm điều mà các phóng viên ảnh luôn làm trong các sự kiện tin tức lớn, ghi lại thảm kịch khi nó diễn ra”. Khi đưa tin về chiến tranh, thông thường các cơ quan báo chí sẽ thu thập video và ảnh từ những người làm việc tự do trong khu vực. Những nhà báo tự do này làm việc độc lập, không phải là nhân viên của các cơ quan báo chí mà họ cung cấp thông tin hoặc tư liệu. Theo TTXVN/Tin Tức
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|