Thiếu sách giáo khoa
Năm 2022, học sinh vào học chính thức đã được 2 tuần, nhưng sách giáo khoa (SGK) vẫn thiếu, nhất là đối với các lớp thay sách theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, từ lớp 10, học sinh sẽ học 6 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, tiếng Anh, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và hoạt động trải nghiệm, hoạt động hướng nghiệp, Giáo dục địa phương. Các môn còn lại sẽ được dạy theo các môn chuyên đề lựa chọn.
Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn phê duyệt 3 bộ SGK từ tiểu học đến THPT, gồm Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành 2 bộ là Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống. Bộ Cánh diều do 2 NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TPHCM chịu trách nhiệm.
Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ rơi vào các lớp thay sách mà cả các lớp cận kề như lớp 4, lớp 11 và mang tính cục bộ, mỗi lớp thiếu một hoặc hai môn nào đó.
Trước tình hình đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các NXB đảm bảo cung ứng đủ SGK cho học sinh. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các giám đốc Sở GD-ĐT thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất trích 3.500 tỉ ngân sách mua sách giáo khoa
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đề xuất Chính phủ phương án trích 3.500 tỉ đồng ngân sách mua sách giáo khoa (SGK) đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn. Khi đó, sách mượn sẽ đáp ứng 70% nhu cầu của học sinh; các năm tiếp theo sẽ bổ sung 20% mỗi năm.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đã giao bộ phận chuyên môn tính toán và đưa ra 3 phương án: Trích ngân sách mua đủ 100% nhu cầu, mua sách cho 70% nhu cầu và chỉ mua sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau khi phân tích, tính toán, Bộ GD-ĐT đã lựa chọn phương án sẽ mua SGK đưa vào thư viện cho học sinh mượn, đáp ứng 70% nhu cầu. Số còn lại thuộc bộ phận người dân có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự mua sách cho con học. Nếu được phê duyệt, phương án này sẽ áp dụng cho năm học 2023-2024.
Tuy nhiên, phương án này đang vấp phải nhiều ý kiến từ chính những người trong cuộc, giáo viên, hiệu trưởng các trường học.
Ngành giáo dục được giao 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên
Về vấn đề nóng trên các diễn đàn trong năm qua là giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, thiếu tới 16.000 giáo viên trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc tuy là hai vấn đề này khác nhau, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết.
Ngành giáo dục đã phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Về nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nhiều năm về trước đã không đủ do số lượng bỏ việc, giảng viên nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số nghỉ hưu do thừa, thiếu cục bộ, khó điều tiết và thiếu do tăng dân số tự nhiên.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên còn do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; do dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục và thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non bậc 5 tuổi thiếu.
Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân, như một thời gian dài không tuyển và không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển; thiếu nguồn tuyển, hoặc có nguồn đã được đào tạo, nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu. Các sở nội vụ của các tỉnh phối hợp với sở GD-ĐT, cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Một trong các chính sách quan trọng đang được Chính phủ xem xét là tăng lương cho giáo viên. Đây sẽ là giải pháp ý nghĩa, hiệu quả để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Nóng vấn đề “Trường đại học” thành “Đại học”
Ngày 2.12.2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trước đây theo quy định của luật Giáo dục đại học năm 2012 và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học năm 2018 cùng quy định pháp luật có liên quan.
Việc “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội” trở thành “Đại học Bách khoa Hà Nội” đã gây nóng dư luận về thuật ngữ “Trường đại học” và “Đại học”
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, quy định của pháp luật thì việc chuyển Trường Đại học thành Đại học không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở giáo dục đại học mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo; qua đó, cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.
Điều đó không thể là thay tên gọi như một kiểu “bình mới rượu cũ” mà cần phải có thời gian để phát triển theo định hướng đã được quy định và ngày càng phải chất lượng, hiệu quả hơn trước.
Như vậy cũng không có nghĩa là tất cả các Trường đại học đều phải phát triển thành Đại học mới là tốt. Có những trường nhỏ, đơn lĩnh vực nhưng vẫn luôn khẳng định được chất lượng cao trong mọi hoạt động.
Điểm khác biệt giữa việc thành lập các đại học trước khi có Luật số 34/2018 là hình thành bằng con đường/biện pháp hành chính; còn theo Luật số 34/2018 thì các đại học tự chủ lựa chọn con đường phát triển theo những tiêu chí – định hướng đã được quy định.
Theo Luật số 34/2018, có hai cách để hình thành một đại học là: Chuyển trường đại học thành đại học theo cách mà Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa thực hiện và các trường đại học đang hoạt động tự nguyện liên kết thành đại học.
Nhiều luận án tiến sĩ gây xôn xao
Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là chủ đề luôn nóng. Gần đây, chất lượng đào tạo tiến sĩ lại được xới xáo khi xuất hiện một số luận án tiến sĩ với đề tài gây xôn xao.
Cụ thể như luận án tiến sĩ "phát triển cầu lông cho công chức, viên chức Sơn La". Vào tháng 5.2022, luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh được bàn luận rất nhiều trên các diễn đàn.
Đây là luận án ngành Giáo dục học, được hoàn thành tại Viện Khoa học Thể dục thể thao. Nhiều người cho rằng đề tài nghiên cứu nói trên không xứng tầm với một luận án tiến sĩ.
Bộ GD-ĐT đã mời 3 chuyên gia thẩm định, kết quả là có 2/3 chuyên gia yêu cầu nghiên cứu sinh sửa lại nhiều nội dung của luận án, chuyên gia còn lại đánh giá luận án không đạt yêu cầu, nghiên cứu sinh cần làm lại và bảo vệ lại.
Đến tháng 11.2022, các diễn đàn lại được dịp ồn ào về một luận án tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học. Luận án có tên là "Nghiên cứu lựa chọn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động Câu lạc bộ Cầu lông Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2", của nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Hồng, được công bố trên chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GD-ĐT ngày 7.11.
Luận án có tên "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực"; thuộc ngành Công nghệ dệt, may thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội cũng gây xôn xao dư luận.
Sau khi được đăng tải, mạng xã hội có rất nhiều ý kiến trái chiều về luận án này. Đến ngày 12.10, luận án tiến sĩ này đã được bảo vệ thành công trước Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ cấp trường. Trên cơ sở kết quả bỏ phiếu đánh giá, có 7/7 thành viên Hội đồng bỏ phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đột ngột dừng thi IELTS
Ngày 10.11, Tổ chức giáo dục IDP thông báo trên website IDP Việt Nam về việc tạm hoãn các kỳ thi IELTS tại Việt Nam.
Thông báo ghi rõ: IELTS IDP lấy làm tiếc phải thông báo rằng các kì thi IELTS sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Đây là tình huống bất khả kháng và tất cả các tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đều phải tuân thủ.
Cũng trong ngày 10.11, Hội đồng Anh cũng thông báo tất cả các kỳ thi IELTS và Aptis của tổ chức này tại Việt Nam sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới.
Hội đồng Anh nhấn mạnh, quyết định tạm hoãn nằm ngoài tầm kiểm soát của tổ chức này và có ảnh hưởng tới tất cả các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế tại Việt Nam.
Vì sao một số trung tâm phải dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ gây xôn xao dư luận, lãnh đạo Bộ GD-ĐT lý giải: việc lập hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi đến thời điểm này chưa đạt yêu cầu, đặc biệt chưa làm rõ các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng, do đó Bộ GD - ĐT chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai để xã hội thực hiện giám sát.
Việc một số tổ chức/đơn vị thông báo dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài là do các bên liên kết chưa làm hồ sơ hoặc chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ GD và ĐT phê duyệt theo quy định của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT.
Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức/đơn vị (trong đó có Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục).
Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 11 ban hành ngày 26.7.2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn.
Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại địa bàn.
Lần đầu tiên đăng ký tuyển sinh đại học bằng hình thức trực tuyến
Lần đầu tiên toàn bộ quy trình đăng ký tuyển sinh, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung, xử lý lọc ảo chung trên hệ thống.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và đã biết ngưỡng điểm xét tuyển do các cơ sở đào tạo công bố.
Điều này đã mang lại những kết quả tích cực như: Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực; các cơ sở đào tạo được cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất; Tỉ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các cơ sở đào tạo tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố;
Bộ GD-ĐT có dữ liệu đầy đủ, kịp thời và tin cậy về tuyển sinh của tất cả cơ sở đào tạo phục vụ nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời hỗ trợ các cơ sở đào tạo điều chỉnh chiến lược và phương thức tuyển sinh. Công tác tuyển sinh cũng là điểm sáng nổi bật đã được Chính phủ ghi nhận và báo cáo trước Quốc hội kỳ họp vừa qua.
Năm "mưa vàng" của các đoàn thi Olympic Việt Nam
Năm 2022, Bộ GD-ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích).
Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao.
Năm 2022 - sau 19 năm kể từ năm 2003, Việt Nam có một học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm; lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic Vật lý quốc tế có một học sinh mới học lớp 10 đoạt Huy chương Vàng; đội tuyển dự Olympic Hoá học quốc tế có 4 học sinh dự thi cả 4 em đoạt Huy chương Vàng.
Thành tích xuất sắc của các đội tuyển đã khẳng định nỗ lực vượt bậc trong học tập, rèn luyện của học sinh, giáo viên, các nhà trường và hướng đi đúng trong công tác dạy học, phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi của ngành Giáo dục.