Mới đây, trên một diễn đàn chuyên bàn luận về âm nhạc có lượt theo dõi đông đảo của cộng đồng mạng cũng như nghệ sĩ đã đăng tải bài viết bày tỏ sự bức xúc khi nhiều bản nhạc chế phản cảm về bài thơ Lượm xuất hiện tràn lan trên Tiktok.
Theo đó, hashtag “chubeloatchoat" (Chú bé loắt choắt) có hơn 18,4 triệu lượt nhắc (xuất hiện - NV) trên Tiktok. Các video sử dụng những bản nhạc chế này thu hút lượng tương tác lớn, có đến hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ.
|
Loạt clip nhảy trên nền nhạc chế bài thơ "Lượm" của các học sinh gây bức xúc. Ảnh: MXH |
Bản nhạc chế "bẩn thỉu"
Cụ thể, trang Fanpage này cho biết, dạo gần đây trên Tiktok không biết từ đâu lại Trending những bản nhạc chế về Lượm…
"Tất nhiên, việc chế nhạc nó không hề mới và ở cái thời của Ad vốn cũng có muôn vàn các bản nhạc chế như kiểu như thế. Tuy nhiên, nếu có được lưu hành thì nó chỉ dừng ở dạng truyền miệng, bạn bè kể vui với nhau thôi.
Chứ cớ đâu lại leo lên xu hướng thịnh hành của 1 nền tảng Social cực Hot như Tiktok và viral bởi loạt ca từ vô tri, những động tác nhảy nhót phản cảm của các em cháu vẫn còn là học sinh như vậy…", Fanpage này bày tỏ
Ngay dưới bài viết, nhiều tài khoản bày tỏ sự đồng tình và cho rằng đây là một thực trạng đáng buồn đối với thế hệ học sinh hiện nay và cũng là lý do kiểm duyệt nội dung trên Tiktok.
Hình ảnh chú bé Lượm trong tác phẩm của nhà thơ Tố Hữu nhận được sự yêu mến từ bạn đọc. Ảnh: Tư liệu |
Tác giả đã gỡ bỏ
Lượm là bài thơ xuất hiện trong chương trình Ngữ văn 6. Đây là một bài thơ 4 chữ được nhiều thế hệ học sinh yêu mến và học thuộc lòng.
Thông qua bài thơ, nhà thơ Tố Hữu phác họa hình ảnh các em bé thiếu niên làm công tác liên lạc trong thời chiến.
Tuy nhiên đoạn rap chế lời do 2see thực hiện và DJ FWIN phối nhạc đã biến tấu nội dung bài thơ mất đi tinh thần gốc ban đầu.
Trước những bức xúc và phản hồi tiêu cực từ khán giả, người thực hiện bản phối cho bài rap từ lời thơ Lượm - DJ FWIN cho biết đã quyết định gỡ bỏ phiên bản trên. Đồng thời, nam DJ chia sẻ sẽ cẩn thận và chỉn chu trong cách làm nhạc để tránh phạm phải sai lầm tương tự.
Hiện tại, các bản nhạc chế vẫn còn tồn tại trên nền tảng Tiktok.
Tình trạng chế nhạc vẫn thường xuyên xuất hiện và gây tranh cãi trên mạng xã hội. Năm 2022, Lê Dương Bảo Lâm từng chế lời bài hát từ truyện tranh Doraemon nổi tiếng. Năm 2018, ca khúc Thương quá Việt Nam bị Vanh Leg, đăng trên YouTube với nội dung biến tướng.