Taliban đang đạt được các bước tiến mới khi hôm qua (6/8), thành phố Zaranj rơi vào tay lực lượng này, trở thành thủ phủ cấp tỉnh đầu tiên mà nhóm nổi dậy này chiếm được khi đẩy mạnh chiến dịch tấn công. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Afghanistan Deborah Lyons tuyên bố, cuộc xung đột tại Afghanistan đang bước vào giai đoạn tàn khốc hơn và tình hình tại Afghanistan đang diễn biến tương tự như tại Syria.
“Trong những tuần qua, cuộc chiến ở Afghanistan đã bước sang một giai đoạn mới tàn khốc hơn. Sau khi đánh chiếm các khu vực nông thôn, giờ đây Taliban đang tiến tới các thành phố lớn. Nếu Taliban thực sự cam kết với một giải pháp chính trị thì sẽ không có thương vong cho dân thường lớn đến như vậy. Bởi họ hiểu quá rõ rằng, quá trình hòa giải sẽ khó khăn hơn khi đổ máu nhiều hơn”, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Afghanistan Deborah Lyons cho hay.
Trước những diễn biến tại Afghanistan, lãnh đạo 5 nước Trung Á (gồm Turkmenistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) hôm qua cảnh báo về vòng xoáy bất ổn ở nước láng giềng Afghanistan.Tổng thống Tajikistan Emomali Rakhmon cho biết, Taliban hiện kiểm soát gần như toàn bộ phần lãnh thổ bên Afghanistan giáp giới với Tajikistan, gia tăng hoạt động chống phá và ảnh hưởng tại khu vực. Nga hiện tuyên bố sẽ sử dụng các căn cứ quân sự của nước này ở Tajikistan và Kyrgyzstan để đối phó với hành vi gây hấn trực tiếp từ phía Afghanistan.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi là những đồng minh trong Hiệp ước an ninh tập thể. Chúng tôi có các căn cứ quân sự ở đây. Nếu có vụ tấn công nào tại Tajikistan thì đó sẽ là vấn đề của khối Hiệp ước an ninh tập thể. Tổng thống Nga Putin đã có các cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Tajikistan and Uzbekistan và Nga sẽ đảm bảo cam kết với các đồng minh”.
Giới chuyên gia phân tích hiện đề cập 3 kịch bản có thể tại Afghanistan. Trước hết, đó là chiến lược phòng thủ của chính phủ thành công. Theo đó, chính phủ Afghanistan thực hiện những gì Mỹ đang thúc giục, tập trung lực lượng chính phủ để bảo vệ các thành trì vững chắc như Kabul, Kandahar, Jalalabad và một vài thành phố trọng yếu khác. Nếu Kabul áp dụng chiến lược này và giảm các cuộc đấu đá chính trị nội bộ sẽ là cơ hội hợp lý để nắm giữ địa hình đô thị trọng yếu trong một thời gian. Taliban càng bị giữ khỏi các thành phố quan trọng của Afghanistan thì vị thế của lực lượng này trên bàn đàm phán càng yếu. Cũng có nhiều nhận định cho rằng, Taliban hiện đang “dần hụt hơi” do lực lượng này thiếu nguồn lực để tiếp quản các khu vực lớn đã kiểm soát.
Kịch bản thứ hai là chính phủ Afghanistan đồng ý một thỏa thuận hòa bình với Taliban. Điều này có thể đảo ngược nhiều quá trình tự do hóa và hiện đại hóa đã diễn ra ở Afghanistan nhiều năm qua, với sự quay trở lại của một số yếu tố luật Sharia. Tuy nhiên, một thỏa thuận hòa bình đạt được vào thời điểm này sẽ giúp tránh nguy cơ của một cuộc nội chiến toàn diện.
Và kịch bản cuối cùng không ai mong muốn đó là nội chiến toàn diện khi không có thỏa thuận nào giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Taliban tiếp tục giành được lợi thế quân sự và thành công quân sự ngày càng tăng sẽ khiến cho Taliban ít có khả năng thỏa hiệp hơn. Chính phủ Afghanistan sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ dưới áp lực ngày càng tăng về chính trị, quân sự và sắc tộc.
Thế giới vẫn đang theo dõi sát tình hình tại quốc gia Tây Nam Á này và dù có diễn biến theo kịch bản nào thì Afghanistan sẽ đối mặt với không ít thách thức cũng như những căng thẳng phía trước./.