Tín dụng đen là hình thức cho vay không chính thức với lãi suất rất cao, không cần tài sản thế chấp, thủ tục giải ngân nhanh, gọn, chỉ khoảng 20-30 phút sau khi thỏa thuận, lãi suất ngắn hạn tính theo ngày. Các đối tượng sẽ cắt phí ngay khi giải ngân. Cụ thể, người vay 100 triệu đồng chỉ nhận được 70 triệu đồng, còn 30 triệu đồng sẽ bị bên vay cắt lãi trước và nhận về khoảng 24 triệu đồng.
Công nhân vốn là nhóm người lao động có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Do cần các khoản chi tiêu đột xuất hay chậm lương, nợ lương, họ không có đủ dự phòng tài chính để trang trải nên đã phải tìm đến tín dụng đen. Đây là giải pháp tình thế duy nhất để họ vượt qua khó khăn trước mắt.
Chị Đặng Thùy Dung (Thanh Hóa), công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho hay, chị là mẹ đơn thân, thu nhập từ 7-8 triệu/tháng, số tiền này không đủ để chi phí hàng tháng cho 2 mẹ con, bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, tiền học, tiền ăn… Khi có việc đột xuất, chị vẫn phải tìm đến “tín dụng đen” như một cứu cánh, khoản vay chỉ từ 5-7 triệu đồng. Đến kỳ trả nợ, nếu chưa có tiền trả thì các đối tượng gọi điện, khủng bố đòi nợ suốt ngày, rất mệt mỏi.
“Công nhân như chúng tôi có tiền tích lũy đề phòng lúc ốm đau, lo cho con cái, bố mẹ là nhờ tiền tăng ca. Bây giờ việc làm không nhiều, không còn việc để tăng ca, thu nhập sụt giảm nên thi thoảng bí quá phải đi vay “nóng” để giải quyết công việc trước mắt. Biết là lãi suất cao hơn vay ngân hàng rất nhiều nhưng vẫn phải chịu thôi, không còn cách nào khác”, chị Dung chia sẻ.
Cũng như chị Dung, anh Nguyễn Minh Quang, công nhân khu Công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, cách đây 2 tháng, gia đình anh có việc đột xuất, cần khoản tiền 20 triệu đồng. Không vay được ai, anh đã phải vay tín dụng đen để giải quyết việc gia đình. Hiện giờ anh phải gánh khoản nợ 20 triệu đồng với lãi suất cao. Hàng tháng đến kỳ nhận lương, anh lại dùng khoản tiền này để trả lãi, chi tiêu tằn tiện tiết kiệm hơn để chờ tháng lương tiếp theo. Có tháng chậm trả lãi vay, anh bị chủ nợ gọi điện khủng bố và đe dọa. Hiện tại công việc ở công ty không nhiều, anh Quang dự tính thời gian tới sẽ chạy thêm grab để có thêm tiền trả nợ và gia tăng thu nhập.
Theo báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống công nhân lao động năm 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện, thu nhập bình quân của 2.982 người lao động tham gia khảo sát đạt 7.885.000 đồng/tháng, tiền lương cơ bản chỉ chiếm 76,7% thu nhập hàng tháng; 23,3% khác đến từ tiền lương làm thêm giờ và các khoản trợ cấp, phụ cấp của doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng chi tiêu 1 tháng của người lao động là 11.723.000 đồng.
Kết quả khảo sát cũng cho hay, chỉ có 24,5% người lao động cho biết, tiền lương và thu nhập chủ vừa đủ đáp ứng đủ chi tiêu cho cuộc sống; 75,5% cho biết thu nhập hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu, có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu chi tiêu. Đáng nói, do đời sống khó khăn, thu nhập không đủ chi tiêu nên 17,3% người lao động thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% người thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng, bất an.
Giải pháp nào để “giải thoát” công nhân ra khỏi “bẫy” tín dụng đen?
Theo các chuyên gia tài chính, tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Không phải người lao động nào cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, khi có công việc đột xuất, họ rất cần những khoản tiền để xử lý, vì thế họ phải tìm đến tín dụng đen.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, tín dụng đen để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực, nếu người có nhu cầu vay nhưng không đủ điều kiện vay từ các tổ chức tín dụng thì họ phải vay tín dụng đen và phải trả lãi suất rất cao. Như vậy, những người có điều kiện khó khăn phải trả lãi suất cao thì lại càng khó khăn thêm, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Cùng với đó, tín dụng đen sẽ phát sinh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Trong vấn đề này thì ngân hàng Nhà nước, cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều giải pháp gỡ khó cho người vay; Cần cố gắng tạo điều kiện cho những người có nhu cầu vay nhưng không có tài sản thế chấp. Ngân hàng Nhà nước cần giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân để họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn của ngân hàng hay tổ chức tín dụng, từ đó sẽ giảm bớt số người tiếp cận với tín dụng đen.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, nhu cầu vay tiền trong lĩnh vực dân sự là rất phổ biến và nhu cầu vay rất lớn, đặc biệt đối với giới trẻ, với công nhân hay người lao động. Về quy luật chung, có cầu thì sẽ có cung, các đối tượng cho vay nặng lãi thường hướng đến nhóm đối tượng là công nhân, người lao động, sinh viên để thực hiện các hoạt động cho vay nặng lãi. Những khoản vay một vài triệu hay chục triệu thường xuyên phát sinh, vì vậy khi cho những đối tượng này vay thì việc áp mức lãi cao cũng như hành vi đe dọa để ép buộc đòi nợ dễ hơn các đối tượng khác trong xã hội.
Để giảm thiểu những vụ cho vay nặng lãi thì cần thực hiện rất nhiều giải pháp, từ giải pháp về kỹ thuật, giải pháp về tài chính, con người, giải pháp về cơ chế, chính sách thì mới đảm bảo kiểm soát được tình hình.
Luật sư Cường cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng không thể nào ngăn chặn, bởi đây là quy luật tự nhiên trong dân sự, pháp luật không cấm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.
Tổ chức này có nguồn vốn để có thể cho vay, vay nóng, tiêu dùng. Các hình thức hụi họ, biêu, phường về bản chất là tốt nhưng nếu không quản lý được thì biến tướng trở thành cho vay nặng lãi. Các gói tín dụng của tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng, chính sách nông nghiệp cần tạo điều kiện cho công nhân giúp họ có cơ hội tiếp cận vốn vay gói tín dụng để giải quyết được những khó khăn trước mắt.
Ngoài ra, cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của công dân và tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Đồng thời, tuyên truyền để người lao động nắm được quy định về lãi suất cho vay. Pháp luật hiện nay quy định về lãi suất thì hai bên thỏa thuận không được quá 20%/ năm, nếu trong trường hợp cho vay lãi suất từ 100%/năm và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Cùng với đó là cách tính lãi suất, các chi phí có thể phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục vay. Khi người dân nắm được quy định về pháp luật cho vay cũng như thế nào là lãi suất cao thì họ sẽ biết cách tự bảo vệ mình, tránh trường hợp họ không có sự lựa chọn nào khác, cuối cùng sa đà vào nhóm cho vay lãi nặng.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, để giảm thiểu những vụ việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các nhóm đó. Nếu phát hiện những cán bộ nào chống lưng cho hoạt động cho vay nặng lãi, sử dụng tiền, tài sản của mình để đưa cho các đối tượng mà có tiền án tiền sự, bất chấp pháp luật để thực hiện cho vay nặng lãi, cấu kết với nhau thành nhóm lợi ích thì cần phải xử lý nghiêm, bất kể người đó là ai.
“Tôi cho rằng, việc phát hiện nhóm cho vay nặng lãi không khó. Ngay cả không gian mạng và trong đời thực. Việc xử lý không cũng không khó nếu chúng ta quyết liệt, quyết tâm, đặt lợi ích của người dân lên trên hết để bảo vệ quyền lợi của những người yếu thế, nhóm yếu thế, những người công nhân lao động, thiếu hiểu biết pháp luật cũng như không đủ kinh nghiệm sống để thoát khỏi những cái “bẫy” tín dụng đen đầy nguy hiểm”, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Để tránh bị rơi vào “bẫy tín dụng đen", cơ quan Công an và ngành chức năng đã liên tục có các khuyến cáo, người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống. Trong trường hợp cấp thiết cần vay, phải tìm hiểu rõ các quy định về trả lãi, phạt trả lãi chậm, trả nợ gốc chậm; Khi đã đi vay tiền thì phải có kế hoạch trả nợ đúng hạn; Nếu người vay bị đe dọa thì phải ghi lại bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng.