Cái khó của Táo Quân 202511/01/2025 - 09:50:00 Táo Quân lên sóng từ năm 2003 đến nay đã có hành trình hơn 20 năm - là kỷ lục của một chương trình truyền hình.Qua hơn 20 năm lên sóng, Táo Quân trải qua nhiều thăng trầm, từng nhận “cơn mưa lời khen” vì thông điệp, sức nặng trong kịch bản, với tiếng cười châm biếm đả kích sâu cay, nhưng cũng nhiều năm, Táo Quân đứng trước áp lực phải đổi mới. Khó khăn nhất với Táo Quân có lẽ là hình thức thể hiện. Màn chầu cuối năm vốn được định hình với dàn Táo lần lượt lên báo cáo tình hình một năm qua dưới hạ giới với Ngọc Hoàng. Hình thức báo cáo, cách chuyển tải lời báo cáo (bằng âm nhạc, các loại hình sân khấu khác nhau) đã được đạo diễn áp dụng đa dạng phong phú, với mong muốn vượt thoát khỏi những lối mòn cũ. Thế nhưng, dù nỗ lực đổi mới trong nhiều năm, đưa vào Táo Quân nhiều chất liệu âm nhạc, nhạc chế, các loại sân khấu tuồng, chèo, cải lương đến nhạc kịch, giao hưởng..., cuối cùng, Táo Quân vẫn phải phụ thuộc vào hình thức các Táo lên báo cáo Ngọc Hoàng. Trong 2 năm gần đây, đứng trước áp lực dư luận, Táo Quân đã đổi mới hình thức thể hiện. Gần nhất, năm 2024, đạo diễn đã đưa Ngọc Hoàng xuống hạ giới vi hành. Thay những màn báo cáo như cũ, Ngọc Hoàng đích thân cùng Nam Tào đến những khu chung cư mini, chứng kiến cuộc sống của người dân ở những nơi chật chội, thiếu an toàn, nhưng vẫn phải chen nhau sống khi tốc độ đô thị thay đổi chóng mặt. Cùng với chuyến vi hành ở các chung cư mini, chung cư cho nhà giàu, Ngọc Hoàng và Nam Tào cũng “khảo sát” thêm những nơi bất động sản hét giá trên trời, dẫn đến muôn vàn hệ lụy... Trước đó, năm 2020, Táo Quân ngừng lên sóng và thay thế là chương trình Gặp nhau cuối năm. Chương trình lên sóng với format hoàn toàn mới, giống một vở sân khấu truyền hình kết hợp với ca hát, múa dân gian. Không còn các nhân vật Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo... Gặp nhau cuối năm 2020 dẫn dắt khán giả qua câu chuyện về làng Vũ Đại thời hội nhập, với mong muốn phát triển du lịch để làm kinh tế, thay đổi cuộc sống nghèo khó sau nhiều năm. Tuy nhiên, ở cả 2 lần đổi mới format (hình thức thể hiện), chương trình đều nhận những tranh cãi, trong đó nhiều ý kiến chê kịch bản mới thiếu sức nặng, không có điểm nhấn, mất đi bản sắc châm biếm, trào lộng vốn có. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên về hình thức thể hiện của Táo Quân bị chê cũ, NSƯT Chí Trung nói: “Đổi mới Táo Quân luôn là mong muốn của tất cả chúng tôi, từ đạo diễn, biên kịch đến dàn diễn viên. Trước khi khán giả chê, chúng tôi chính là những người nghiêm khắc nhất với mình. Chúng tôi cũng chán những gì cũ kỹ, lặp đi lặp lại. Hơn ai hết, chúng tôi là những người muốn đổi mới nhất, muốn mỗi năm đều mang đến bất ngờ, thú vị cho khán giả. Thế nhưng, đổi mới được Táo Quân là một bài toán khó. Dù năm nào chúng tôi cũng nỗ lực thêm thắt, tìm điểm mới, tìm điểm nhấn khác lạ cho kịch bản... nhưng vẫn bị chê. Có khán giả thích xem Táo Quân như cũ với các màn báo cáo đầy bi hài, nhưng cũng có khán giả liên tục bắt Táo Quân phải đổi mới toàn bộ, từ kịch bản, cách thể hiện đến cả dàn diễn viên. Chúng tôi như làm dâu trăm họ. Rất khó để làm hài lòng được tất cả khán giả. Chỉ biết, năm nào chúng tôi cũng nỗ lực, cố gắng hết sức để phục vụ khán giả vào đêm giao thừa”. Táo Quân 2025 năm nay trở lại với dàn diễn viên cũ sau nhiều năm tìm cách “thay máu”. Tổng quan kịch bản được đánh giá sẽ có nhiều chất liệu khi năm 2024 xảy đến nhiều biến cố, nhiều thay đổi lớn trong các lĩnh vực, bộ, ngành. Khó nhất đặt ra với Táo Quân vẫn là câu chuyện thể hiện, bằng cách nào để vừa giữ được “thương hiệu” là tiếng cười châm biếm, trào lộng, lại vừa có được sự mới mẻ, hấp dẫn. Theo laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|