Cầm 200.000 đồng đi chợ sau lũ, chỉ ăn được 1 bữa, "nhịn" thịt mua rau13/09/2024 - 09:23:00 Sau siêu bão Yagi, các loại rau xanh liên tục tăng, nhiều loại tăng từ 30-50% so với trước bão. Nếu cầm 200.000 đồng đi chợ mua đồ cho bữa ăn 4 người… phải tiết kiệm tiền thịt để mua rau.
Cuối chiều 12/9, để có đánh giá sát thực tế cho mức chi tiêu của một gia đình, phóng viên Dân trí có mặt tại chợ Dịch Vọng, một chợ dân sinh trung tâm của quận Cầu Giấy, Hà Nội. Lấy gia đình tiêu chuẩn là 4 thành viên, gồm bố mẹ và hai con nhỏ. Các con cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng nên bữa cơm gia đình dù không cầu kỳ nhưng vẫn đảm bảo đủ chất, chế biến đa dạng với 2 món mặn và một món rau, kèm theo trái cây tráng miệng. Với 200.000 đồng, sau bão, người tiêu dùng có thể được gì cho một bữa ăn của gia đình 4 người? Khảo sát ban đầu tại chợ dân sinh Dịch Vọng, cho thấy, phần lớn các mặt hàng thực phẩm sau bão đều tăng giá, đặc biệt là rau xanh. Cụ thể: Thịt lợn dao động 90.000- 160.000 đồng/kg tùy loại; thịt bò có giá 200.000-260.000 đồng/kg tùy loại, thịt gà công nghiệp dao động 70.000-85.000 đồng/kg; trứng 33.000 đồng/10 quả. Giá rau đã tăng liên tục trong 3 ngày qua. Trong đó, cà chua tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/kg; rau ngọt 15.000-20.000/bó trong khi trước bão khoảng 10.000/bó; bắp cải 30.000 đồng/kg tăng gấp đôi trước bão; bí xanh, bí đỏ dao động 30.000-45.000 đồng/kg, nếu mua cả quả thường mất 60.000-100.000 đồng/quả 3kg. Ngoài ra, xà lách, cải xoong cũng lên 50.000-70.000 đồng/kg, đắt thêm 20.000-35.000 đồng. Hành lá, các loại rau gia vị khác đồng loạt tăng thêm 50-70%. Như vậy, việc cần 2 món mặn, có rau xanh và hoa quả cho một bữa ăn gia đình 4 người, tiền thịt lợn phải chi ít nhất 80.000-100.000 đồng/bữa. Song do tình hình thực tế giá rau xanh quá cao nên với 200.000 đồng, phải cắt giảm tiền thịt, để tiền mua rau. "Chỗ thịt này cho 4 người nếu nhà nào ăn ít thì đủ", người bán thịt nói bán 50.000 đồng thịt thăn chuột cho khách. Để không vượt quỹ 200.000 đồng, tổng chi phí cho một buổi chiều đi chợ hết: Tiền thịt lợn 50.000 đồng; rau 91.000 đồng (1 quả bí xanh; 2 quả ớt chuông; 2 quả chanh; 2 quả cà chua); 4 quả trứng 14.000 đồng; khay táo tàu tươi giá 45.000 đồng. Theo anh Hiếu, chủ quầy rau, những ngày gần đây, giá rau mỗi ngày một giá, bản thân anh khi đi nhập hàng cũng thấy "sốc" vì giá thành thay đổi chóng mặt. Ví dụ như: Bí xanh hôm 11/9 rẻ, hôm nay lại không có hàng, lại đắt. Bắp cải hôm 11/9 là 30.000 đồng/kg, nay hạ còn 25.000 đồng/kg. "Do mưa bão nhiều ngày, rau dập hỏng nhiều, xót ruột. Nhập các loại rau phổ biến, dễ bán, tránh lỗ. Giá nhập cũng cao. Tình hình chưa xuống giá nhanh được vì ảnh hưởng sau bão", anh Hiếu lý giải. Khó khăn nhất với mỗi gia đình khi đi chợ thời điểm này là suy tính phải mua gì cho vừa không quá tốn lại vừa ngon miệng. Vì nếu qua quýt hoặc tiết kiệm quá sẽ chỉ mua được vài món đơn giản, dễ gây chán. Bữa cơm gia đình không chỉ để đảm bảo sức khỏe mà còn giúp mọi người thêm hứng thú mỗi khi thấy bữa cơm ngon. Do vậy, nhiều bà nội trợ vẫn cố xoay xở, nhưng nhiệm vụ này ngày càng khó vì giá cả cứ ngày một tăng, lại thêm tác động của thiên tai khiến các chi phí dự kiến chi tiêu hàng ngày bị đảo lộn. Chị Phan Linh (32 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Trước đây tôi để mức 300.000 đồng/ngày, 2 bữa ăn cho gia đình, tôi còn chưa tính tiền hoa quả. Nhưng bây giờ phải để 200.000 đồng/bữa, vì có một cháu lớn vào tuổi dậy thì, sức ăn tốt hơn. Mấy ngày sau bão, đi chợ cứ như rơi mất tiền vì chưa mua được gì đã thấy hết". Tại các siêu thị, nguồn cung hàng và giá vẫn ổn định. Nhiều mặt hàng rau củ tại đây có giá chỉ bằng một nửa so với ngoài chợ. Tuy nhiên, thực phẩm trong siêu thị những ngày này thường hết sớm và không nhiều lựa chọn như ở chợ dân sinh. Theo đại diện Bộ Công Thương, đối với các khu vực ngập lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân. Ngày 11/9, Bộ này cũng đã ban hành công điện hỏa tốc tổ chức triển khai tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường, nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Đồng thời thực hiện điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang chịu ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ. Lãnh đạo Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng, không tích trữ quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra. Theo Báo Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
|
Theo TTKTTV
|