10 năm qua, Ban Tổ chức Trung ương đã phê duyệt khoảng 16.400 lượt cán bộ, riêng chức danh do Trung ương quản lý là hơn 7.200 nhưng mới chỉ bổ nhiệm được 14,5% trong số này.
Ngày 25/1, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Quy định số 50 của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ. Đây được nhìn nhận là bước tiến về công tác quy hoạch cán bộ của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XIII.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh Quy định 50 tiếp tục bổ sung, đổi mới để làm cho công tác quy hoạch chặt chẽ hơn, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng.
Quy hoạch nhiều, bổ nhiệm ít
Theo bà Trương Thị Mai, 10 năm qua, Ban Tổ chức Trung ương đã phê duyệt khoảng 16.400 lượt cán bộ, trong đó chức danh do Trung ương quản lý là hơn 7.200; chức danh do cấp ủy trực thuộc Trung ương là hơn 9.000.
Số lượng cán bộ được cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt là hơn 1,9 triệu người. Con số này, theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã tạo được nguồn cán bộ rất rộng mở để bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo chức danh lãnh đạo, quản lý từ Trung ương đến địa phương.
|
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: TTXVN.
|
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra tỷ lệ bổ nhiệm từ nguồn cán bộ quy hoạch còn thấp. Chức danh do Trung ương quản lý mới chỉ bổ nhiệm được 14,5% trong số quy hoạch; đối với địa phương là 23,5%.
Như vậy, dù hệ số rộng, lượng cán bộ quy hoạch lớn, tỷ lệ bổ nhiệm vẫn thấp. Quy định 50 đã khắc phục được vấn đề này, nâng tỷ lệ sử dụng nguồn cán bộ quy hoạch cao hơn.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết trong năm nay, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ ban hành nhiều văn bản quy định công tác cán bộ, từ tiêu chuẩn chức danh quy hoạch đến công tác đánh giá; đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển.
Trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; lấy phiếu tín nhiệm; cơ chế phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực nổi trội, cán bộ trẻ… đồng thời là những vấn đề được cụ thể hóa.
Cán bộ bị kỷ luật đương nhiên ra khỏi quy hoạch
Các chức danh quy hoạch trong Quy định 50 gồm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương; chức danh thuộc diện cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
|
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII. Ảnh: Nguyên Phúc.
|
Công tác quy hoạch theo phương châm "động" và "mở". Đặc biệt, việc đánh giá, rà soát thực hiện hàng năm để kịp thời loại bỏ cán bộ không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, bổ sung nhân tố mới từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc nguồn từ nơi khác đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có triển vọng phát triển.
Quy định 50 nêu rõ về độ tuổi, cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn một nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 72 tháng trở lên.
Mỗi chức danh quy hoạch không quá 3 cán bộ và một cán bộ quy hoạch không quá 3 chức danh.
Về cơ cấu, Quy định 50 đề ra mục tiêu phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng: Cán bộ trẻ (45 tuổi đối với Trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 15% trở lên; cán bộ nữ 25% trở lên; tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn...
Cán bộ quá tuổi quy hoạch hoặc bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên (đối với cá nhân) hoặc kết luận không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch là những trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch…