Cận cảnh tuyến buýt nhanh ở Hà Nội dự định cho nghỉ, thay bằng đường sắt đô thị
22/04/2024 - 07:58:00
Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng tuyến buýt nhanh 01 của Hà Nội đến nay không mang lại hiệu quả như kỳ vọng nên cần dừng ngay để tránh tình trạng càng chạy càng lỗ.
Mới đây, UBND TP Hà Nội giao Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến 2045, tầm nhìn đến 2065 tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại diện cộng đồng dân cư đối với đồ án. Theo đó định hướng hệ thống đường sắt đô thị, thành phố dự kiến quy hoạch 11 tuyến. Hiện tại Hà Nội sau 10 năm đầu tư tuyến đường sắt đô thị tuyến 2A Cát Linh – Hà Đông (10/2011-11/2021) mới đươc đưa vào vận hành khai thác, tuyến số 3 (đoạn Nhổn – ga Hà Nội) khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn chưa xong. Ngoài ra, còn 6 tuyến khác đang thực hiện các khâu của dự án đầu tư.
Đáng chú ý, thành phố Hà Nội đề xuất ưu tiên xem xét bổ sung 3 tuyến đường sắt đô thị mới gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai; tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm; và tuyến dọc theo trục phía Nam
Với đề xuất này, sau 7 năm đi vào vận hành, tuyến BRT duy nhất của Hà Nội có thể sẽ được "nghỉ hưu" sớm.
Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội với tổng mức đầu tư 1.1000 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới, đưa vào hoạt đồng từ đầu năm 2017 đến nay.
Tuyến BRT01 lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã, toàn tuyến sử dụng 55 xe buýt.
Hà Nội đánh giá BRT có ưu điểm là giảm ùn tắc giao thông cá nhân ra vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách, chất lượng phục vụ tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đối với các khu vực có tuyến đi qua.
Từ khi đi vào hoạt động xe buýt nhanh BRT - mô hình mới xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội và cả nước nhiều ý kiến cho rằng, loại hình này chưa hợp lý, thậm chí thất bại. Được thiết kế ưu tiên làn đường riêng nhưng tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội chưa giảm được ùn tắc và thúc đẩy giao thông công cộng.
Tuyến đường buýt nhanh đi thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Giờ cao điểm buýt nhanh BRT thênh thang một làn đường.
Trong khi các phương tiện khác ùn ứ gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người dân.
Nhiều phương tiện chen lấn dành đường với buýt nhanh.
Tuyến đường Láng Hạ hướng đi Yên Nghĩa (Hà Đông) luôn đông kín xe cộ.
Khảo sát của phóng viên, trên xe buýt nhanh vẫn còn ghế trống.
Đường đông các phương tiện điền vào chỗ trống.
Điểm dừng đón trả khách xe buýt nhanh Láng Hạ.
Nhiều chuyên gia cho rằng tuyến buýt nhanh 01 của Hà Nội đến nay đã thất bại không mang lại hiệu quả như kỳ vọng cần dừng ngay để tránh tình trạng càng chạy càng lỗ.