Theo quy định của Luật Giá, giá SGK mới theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 do doanh nghiệp, nhà xuất bản (NXB) tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai giá với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường; đồng thời, thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ thông tin về giá sách.
Theo thông tin được Bộ Tài chính chia sẻ với báo chí, về số học thì giá bộ SGK mới (179.000-203.000 đồng/bộ sách lớp 2 và 234.000 - 259.000 đồng/bộ sách lớp 6) cao hơn giá bộ sách cũ (53.000 đồng/bộ sách lớp 2; 99.000 đồng/bộ sách lớp 6). Tuy nhiên, khổ sách, số cuốn, số màu in các cuốn SGK mới trong bộ sách mới đều cao hơn bộ sách cũ.
Cùng với đó, số lượng cuốn SGK trong bộ SGK mới (từ 10 -13 cuốn) nhiều hơn số lượng cuốn sách trong bộ SGK cũ (6 -11 cuốn), số lượng màu in nhiều hơn (sách cũ 2-4 màu, sách mới tất cả 4 màu), khổ sách rộng hơn (sách cũ 14cmx24cm, sách mới 19cmx26.5cm), chất liệu giấy cũng tốt hơn so với SGK cũ... Đặc biệt, do thực hiện xã hội hóa nên một số chi phí như chi phí bản thảo, chi phí nhuận bút lần đầu... không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Vì vậy, cơ quan này cho rằng, việc so sánh giá SGK cũ với SGK mới chưa thực sự tương đồng.
Rõ ràng, với quy định của Luật Giá, với chủ trương xã hội hoá SGK, các NXB, công ty sẽ tự bỏ toàn bộ chi phí, tự tổ chức từ bản thảo sách, in ấn, phát hành, giới thiệu, quảng bá và không dùng ngân sách Nhà nước, do vậy, họ không thể bán SGK mới dưới giá thành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ chế kê khai giá như hiện nay sẽ có thể dẫn đến hiện tượng mức giá cao, thấp khác nhau tạo tâm lý bất ổn cho phụ huynh và học sinh, trong khi đó, SGK thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Đó cũng là lý do khiến dư luận cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp để điều tiết giá SGK.
TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, nếu giá SGK tăng cao là do các NXB mất nhiều chi phí biên soạn nội dung mới, tiền thuê các tác giả, trả nhuận bút cao thì Nhà nước càng cần có sự quản lý một cách rõ ràng. Các NXB cần chấp nhận bù lỗ vào năm đầu sản xuất sách, tính toán hợp lý để thu hồi vốn, sinh lời vào những năm tái bản, chứ không phải tính tất cả chi phí vào giá thành sách để học sinh trong thời kỳ thay đổi SGK phải "gánh" hết được. SGK cũng như gạo, xăng dầu là những sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, Nhà nước cần có sự quản lý giá cả, thậm chí bù lỗ nếu cần. Cơ quan quản lý Nhà nước không thể thả nổi giá SGK. Bởi vì thả nổi giá SGK là buông lỏng quản lý.
“Tôi ủng hộ Chính phủ, Quốc hội ra khung trần về giá SGK và không được vượt quá khung đó. Lúc đó, các NXB sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp. Còn nếu không có những quy định cụ thể về khung giá, các NXB sẽ làm sách với chất lượng mẫu mã cao để bán được giá tốt", ông Khuyến nêu quan điểm. Còn theo TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), SGK là mặt hàng thiết yếu nên để có giá SGK phù hợp với mọi gia đình, cần xem xét lại chủ trương xã hội hóa SGK một cách cẩn thận theo hướng có thể không xã hội hoá tất cả các khâu mà chỉ nên xã hội hoá một số khâu.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước đây, Bộ đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ xem xét, quyết định đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá tối đa để trình Quốc hội quyết định. Hiện, Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể quá trình triển khai, thực hiện Luật Giá, trong đó sẽ tiếp tục đánh giá, báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung SGK vào danh mục Nhà nước định giá.