Quy định cụ thể về phạm vi hành nghề của y sĩ
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, dự án Luật đã thể chế hóa được quan điểm, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm chính sách dân tộc cũng như đã được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định.
Tuy nhiên, Chính phủ cần tiếp tục tiến hành đánh giá, tổng kết và bổ sung đánh giá tác động, đặc biệt là về nguồn nhân lực cũng như tài chính, đối với những chính sách có thay đổi về nội dung hoặc phát sinh nội dung mới của dự án Luật; rà soát, đánh giá đầy đủ về thủ tục hành chính đối với từng đối tượng chịu sự tác động; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế và thể chế hóa đầy đủ, sâu sắc, cụ thể hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trong lĩnh vực y tế trong dự án Luật.
Đáng chú ý, về chức danh phải có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh đối với "y sĩ", việc dự thảo Luật quy định chỉ tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh “y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” mà không tiếp tục cấp cho các y sĩ khác một mặt sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực y tế của hệ thống y tế cơ sở; mặt khác, chưa thể hiện sự liên thông giữa nguồn nhân lực dân y và quân y.
Do đó, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần tiếp tục cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ, quy định cụ thể về phạm vi hành nghề đối với nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Y tế phải có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ nhằm đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa khám, chữa bệnh
Thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, y tế là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân, cộng đồng nhưng cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Do đó, trong luật sửa đổi cần nhấn mạnh nội dung kế thừa và nội dung cần sửa đổi bổ sung.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật rõ hơn, nhất là những hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện; bao quát hơn trong cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ chứ không chỉ cấp cho lực lượng vũ trang.
Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, luật phải khuyến khích việc khám, chữa bệnh cao cấp, có trình độ cao. Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, hằng năm có rất nhiều người ra nước ngoài khám, chữa bệnh, nhiều người đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài về nói trình độ thầy thuốc của trong nước cũng không kém ai, thậm chí còn hơn ở nước ngoài.
“Luật có làm nổi bật, xây dựng các trung tâm kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh hay không. Nếu làm tốt vấn đề này chúng ta còn phát triển dịch vụ khám, chữa bệnh ở Việt Nam”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần thể chế hóa chủ trương xã hội hóa trong khám, chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong khám, chữa bệnh. Vì vậy, cần rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề. Hiện nay có nhiều hội như: Tim mạch, gan, thận, trong khi thực tế Hội đồng Y khoa quốc gia chỉ có một chủ tịch là chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Do đó cần phát huy vai trò của các hiệp hội chuyên môn.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tránh việc lạm dụng áp dụng kỹ thuật cao không cần thiết để đẩy giá dịch vụ lên quá cao so với khả năng chi trả của nhân dân. Từ đó khiến bệnh nhân dồn hết về tuyến trên, ít coi trọng y tế cơ sở. Đặc biệt, cần kiểm soát đối với các đơn vị tự chủ tài chính, tránh xảy ra các sai phạm tiêu cực tại cơ sở khám, chữa bệnh như trong thời gian qua, từ mua sắm vật tư, thuốc men, trang thiết bị y tế. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong tự chủ về tài chính. Bảo vệ thầy thuốc trước nguy cơ xâm phạm về y đức, kinh tế thị trường gây tổn thương cho bệnh nhân trong chăm sóc sức khỏe.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022).