Bốc dỡ rau, củ quả để vận chuyển kịp thời đến các điểm phân phối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: TTXVN) |
Lưu thông nông sản gặp khó
Hiện nay, tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Đây là việc làm cần thiết để tiến hành nhanh chóng khoanh vùng và thuận tiện trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay, đó là vấn đề lưu thông nông sản đang rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung ứng nông sản cho thị trường các tỉnh, thành phố có nhu cầu cao, đồng thời, tại những điểm nguồn cung dồi dào lại không thể xuất hàng đi, giá thành hạ.
Tiêu biểu như tại Bình Dương, giá thành gà trắng từ mức 26-27 nghìn đồng/kg nhưng hiện bán chỉ ở giá 13 nghìn đồng/kg. Hoặc tại Đồng Nai, lợn không thể xuất chuồng. Tại Long An, hơn 50% số kho thanh long đóng cửa do lo ngại tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; hoặc như xuất khẩu chanh của Long An cũng gặp khó khăn do thương lái thu mua chậm, chi phí vận chuyển tăng cao (tăng 2-3 lần).
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, triển khai việc cung ứng hàng hóa cho TP.Hồ Chí Minh, sản lượng lương thực, rau quả, thịt của địa phương rất dồi dào để đáp ứng nhu cầu của thành phố, tuy nhiên, việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, xảy ra một thực tế, dù lượng nông sản, thực phẩm của địa phương khá dồi dào nhưng các tài xế lại ngại vận chuyển vì không biết quy định phòng dịch của các địa phương như thế nào.
Hiện nay, tại các tỉnh phía Nam, các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt nên tăng chi phí vận chuyển. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản. Container vận chuyển khan hiếm, giá thành vận chuyển cao do nhiều lái xe lo ngại việc phải thực hiện cách ly thời gian dài sau khi từ vùng có dịch trở về.
Trong khi các địa phương khác, nông sản đang dồi dào nguồn cung nhưng không “giải phóng” được thì tại thành phố Hồ Chí Minh – nơi có sức tiêu thụ lớn, giá lương thực, thực phẩm trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7/2021 đều tăng so với các tháng trước đó. Giá lương thực tăng 0,46%; giá thực phẩm tăng 0,37% so tháng trước, trong đó rau củ quả tăng mạnh do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ giảm (bắp cải tăng 18,53%, su hào tăng 5,28%, đậu cô ve tăng 22,78%, rau muống tăng 5,38%, rau tươi khác tăng 5,63%). Giá nhiều mặt hàng thủy hải sản đa số tăng 6%-20% vì lượng thủy hải sản tươi về chợ bình quân giảm 10% so tháng trước.
Cần một phương án thống nhất để lưu thông nông sản
Thực trạng trên cho thấy, hiện nay, việc lưu thông nông sản đang thực sự khó khăn tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Để tháo gỡ cho công tác này, Bộ NN&PTNT đã có quyết định số 3149/QĐ-BNN-VP ngày 18/7 về việc thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ và các địa phương có liên quan thúc đẩy hoạt động sản xuất, thu hoạch nông sản, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nông sản tại các địa phương khu vực phía Nam bị giãn cách do dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo Sở NN&PTNT các địa phương rà soát, xây dựng các phương án, kế hoạch tiêu thụ nông sản kịp thời ứng phó với dịch COVID-19.
Đồng thời, mới đây, hai Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã tiến hành họp trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp cho việc kết nối, lưu thông nông sản tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo: Cần chủ động kết nối cung - cầu tại các địa phương. Phải rõ đầu mối giao – nhận. Trách nhiệm này thuộc về các Sở Công thương và Sở NN&PTNT. Và muốn kết nối được phải nắm được nhu cầu. Đồng thời, phải phối hợp với các ngành khác như: Giao thông, Y tế để làm tốt lưu thông hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa từ nơi dồi dào đến nơi thiếu hụt, mặt hàng gì cần bán cần kết nối với nơi cần mua và ngược lại; có như vậy mới giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ.
Trong điều kiện ảnh hưởng của dịch COVID-19, để đưa hàng hóa ra khỏi tỉnh, trên thực tế, đã có một số địa phương triển khai khá tốt công tác này. Kinh nghiệm của Bắc Giang – địa phương vừa trải qua cao điểm của dịch cho thấy, với những hướng đi được xây dựng bằng các kịch bản cụ thể trước đó, vụ vải thiều của địa phương vẫn được đánh giá “được mùa, được giá” kể cả khi đang trong thời điểm là tâm dịch.
Có được điều này, có thể thấy, Bắc Giang đã rất linh hoạt trong việc tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu, tại huyện Lục Ngạn – địa phương trọng điểm trồng vải của Bắc Giang, lái xe có chứng nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2 còn hiệu lực được vận chuyển đến nơi giao hàng bình thường. Ở các thôn không có người nhiễm, thương nhân đến tận vườn thu mua để bán vải tươi nhưng phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Đặc biệt, để hỗ trợ nhân dân ở các xã đang thực hiện cách ly thu hoạch vải thiều thuận lợi, huyện yêu cầu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thu mua đăng ký qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng. Đồng thời lập danh sách các thôn không có nguy cơ lây nhiễm COVID-19, đủ điều kiện có thể tổ chức thu mua vải thiều tươi trình UBND huyện xem xét. Đi cùng với đó, việc đăng ký thu mua phải xác định rõ địa điểm, sản lượng; cam kết đúng giá thị trường, không lùi cân, ép giá. Các thương nhân, lái xe, người tham gia vào quá trình thu mua, vận chuyển vải thiều phải có giấy xác nhận âm tính với vi rút SARS-CoV-2 thông qua test nhanh.
Và ngoài việc tiêu thụ bán tươi, Lục Ngạn còn linh hoạt trong việc thu mua vải thiều phục vụ cho việc sấy khô tại chỗ. Và chắc chắn, thêm một kênh tiêu thụ không thể không nhắc đến trong bối cảnh giãn cách xã hội, đó chính là sàn thương mại điện tử. Chính nhờ những giải pháp linh hoạt, sáng tạo đã mang lại thắng lợi cho vụ vải thiều 2021 của tỉnh Bắc Giang.
Có thể thấy, đây chính là những kinh nghiệm mà các địa phương đang trong cao điểm ảnh hưởng của dịch có thể tham khảo để từng bước tìm ra những giải pháp hợp lý cho tiêu thụ nông sản cho địa phương mình.
Trở lại với vấn đề gỡ khó cho kết nối cung – cầu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sản xuất nông sản của chúng ta đảm bảo nguồn cung. Tuy nhiên, vấn đề ở đây nằm ở khâu lưu thông, phân phối. Chính vì vậy mà chúng ta phải có một hệ thống phân phối mang tính chất đồng bộ.
Hiện nay, chúng ta đã có "luồng xanh" toàn quốc, kể cả giao thông đường bộ, và giao thông thủy nội địa nhưng vấn đề tổ chức thực hiện phải thống nhất.
“Ví dụ bây giờ test nhanh hay giải trình tự gen, và kết quả này có hiệu lực trong vòng 3 - 5 hay 7 ngày thì phải có sự thống nhất để không tạo ra tình trạng cát cứ của các tỉnh, thành. Đây chính là mấu chốt để chúng ta có luồng xanh quốc gia thông suốt và để triển khai được nguồn nông sản tới các kênh tiêu thụ, các hình thức tiêu thụ” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất.
Thực tiễn trong bối cảnh hiện nay, khi lương thực, thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người dân thì các cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp cụ thể mang tính trước mắt và lâu dài để đảm bảo cho lưu thông nông sản được thuận lợi. Đây cũng chính là giải pháp để hạn chế việc đứt gãy chuỗi cung – cầu cho các địa phương.
Trong bối cảnh cả nước đang chung tay hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, thiết nghĩ, việc đưa ra phương án thống nhất cho các tỉnh, thành phía Nam trong tiêu thụ, lưu thông nông sản là việc làm cần khẩn trương thực hiện. Để từ đó, tạo sự thống nhất chung trong triển khai thực hiện và tạo thuận lợi cho hoạt động mua – bán nông sản, nhất là tại các địa phương có nguồn cung lớn, tránh ùn ứ nông sản và tạo nguồn cung đảm bảo cho thành phố trong điều kiện đang căng mình chống dịch.
Và nếu giải pháp này được triển khai thành công, đây cũng chính là cơ sở, kịch bản để triển khai cho các tỉnh, thành trên cả nước trong điều kiện nếu xảy ra dịch trên diện rộng. Chắc chắn khi đó, việc lưu thông, tiêu thụ nông sản – vấn đề thường trực, quan tâm hàng ngày của người dân sẽ không còn rơi vào tình trạng bị động trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang còn “rình rập”, có nguy cơ xảy ra tại bất cứ một địa phương nào./.