Khảo sát này cho những kết quả rất đáng suy nghĩ: 52% HS khó tập trung khi học trực tuyến; 41,2% cho rằng học trực tuyến rất chán; 45,8% thiếu động lực học tập và gần một nửa khẳng định học kém hơn so với học trên lớp. 21,2% cho rằng gặp xung đột với bố mẹ nhiều hơn trước; 16,4% cảm thấy không thích gần gũi với bố mẹ và bị bố mẹ quản lý thiết bị điện tử thường xuyên; 26% cảm thấy rất khó chịu khi không được tham gia các hoạt động vận động như thể dục thể thao…

Cân nhắc dạy và học trực tuyến - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội trong một giờ học trực tuyến - Ảnh: Yến Anh

 

Khảo sát ở một trường thì chưa thể phản ánh hết toàn cảnh sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh ở nước ta. Tuy nhiên, điều rất dễ thấy là với thời gian bất đắc dĩ phải nghỉ học và sau đó là học trực tuyến rất dài do phải thực hiện giãn cách để phòng chống đại dịch Covid-19 thì sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt là con em các gia đình sống trong các khu trọ chật hẹp. Người lớn còn uể oải, mệt mỏi thì nói gì trẻ em - lứa tuổi rất cần các hoạt động vận động, giao tiếp để phát triển.

Đó là chưa kể việc dạy và học trực tuyến quá mới lạ với HS nước ta. Nhiều HS do thiếu thốn thiết bị, phải học qua máy tính hoặc điện thoại chất lượng thấp nên gặp nhiều phiền toái, bực bội, dễ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần. Trong khi sức khỏe tâm thần lại không dễ bổ sung như kiến thức, khó có thể một sớm một chiều để có giải pháp khắc phục, nhất là những HS bị trầm cảm, lo lắng kéo dài vì những áp lực dồn nén.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến đầu tháng 12-2021, chỉ có 9 địa phương dạy học trực tiếp, còn lại các địa phương kết hợp dạy trực tuyến, trực tiếp và truyền hình. Đặc biệt, Hà Nội, TP HCM đa số các khối lớp học trực tuyến đến nay gần hết học kỳ I.

 

Nếu đặt câu hỏi HS có muốn đến trường học trực tiếp hay không, nhất là khi đã "bình thường mới", hẳn số đông HS sẽ trả lời: Muốn, vì "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", được gặp thầy cô giáo, bạn bè cùng lứa tuổi. Tâm lý của cán bộ, giáo viên cũng thích sớm quay lại dạy và học trực tiếp, nhất là thời điểm này khi học kỳ I đang dần khép lại.

Nhưng dạy và học trực tiếp thì phải cân nhắc đến nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Quyền quyết định việc học theo hình thức nào để vừa bảo đảm việc chống dịch vừa bảo đảm chất lượng dạy và học là thuộc về các địa phương. Cho nên, địa phương nào mà đội ngũ lãnh đạo ngại ngần liên đới trách nhiệm, tìm lối an toàn cho bản thân thì sẽ rất dễ lạm dụng tình trạng "cố thủ" tiếp tục dạy và học trực tuyến, kéo dài tình trạng bất đắc dĩ dù đã thấy rất rõ những hệ lụy, dù tình hình đã phù hợp để cho phép dạy và học trực tiếp.

Bài toán dạy và học theo hình thức nào đang rất cần sự cân nhắc, sự nhạy bén và trách nhiệm cao của đội ngũ lãnh đạo các địa phương. 

LƯƠNG DUY CƯỜNG